Nghe tòa tuyên tổng hợp mức hình phạt 22 năm 6 tháng tù cho cả 3 bản án, những giọt nước mắt hối hận muộn màng lăn dài trên gò má hốc hác của bị cáo T.T.C (sinh năm 1982, sống lang thang). Có lẽ, không chỉ hối hận về hành vi phạm tội của mình, bị cáo còn áy náy khi nhìn đứa con 4 tuổi vô tư chạy nhảy tung tăng nơi hành lang tòa án.
Nghe tòa tuyên tổng hợp mức hình phạt 22 năm 6 tháng tù cho cả 3 bản án, những giọt nước mắt hối hận muộn màng lăn dài trên gò má hốc hác của bị cáo T.T.C (sinh năm 1982, sống lang thang). Có lẽ, không chỉ hối hận về hành vi phạm tội của mình, bị cáo còn áy náy khi nhìn đứa con 4 tuổi vô tư chạy nhảy tung tăng nơi hành lang tòa án.
Liên tục phạm tội liên quan đến ma túy, C. đã thành “người quen bất đắc dĩ” ở tòa án. Năm 19 tuổi, C. bị đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh do nghiện ma túy. 21 tuổi, sau hơn 1 năm kể từ ngày kết thúc chữa bệnh bắt buộc, C. lãnh án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và 6 tháng tù về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Năm 2010, hơn 1 năm sau ngày chấp hành xong hình phạt, C. tiếp tục bị kết án 3 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. 3 năm sau ngày ra tù, C. lại bị kết án 8 năm 6 tháng tù cũng về tội danh này, nhưng được hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Lẽ ra, với chừng đó bản án, lại thêm vừa sinh ra đứa trẻ không cha, C. phải biết sợ mà ngừng lại. Nhưng không, “tận dụng” khoảng thời gian được hoãn thi hành án, liên tiếp 2 năm 2017 và 2018, C. tiếp tục phạm tội 2 lần, đều liên quan đến ma túy!
Nghe tòa hỏi, vì sao than khó khăn nhưng có thể bỏ ra 3 triệu đồng mua ma túy mà không dùng tiền đó mua sữa cho con, bị cáo C. sụt sùi khóc, nêu lý do lúc đó con bị bệnh, túng quá làm liều! Nhưng lý do đó không được tòa chấp nhận. Từ khi sinh con ra cho tới khi con được 4 tuổi, bị cáo C. đã kịp phạm tội tới 3 lần. Bị cáo cố thanh minh rằng, sau lần mua bán ma túy trái phép bị kết án, nghĩ đến con, bị cáo không buôn ma túy nữa mà chỉ sử dụng, do vậy chỉ phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy!
Nghe tòa phân tích, bị cáo C. rơm rớm nước mắt, còn bà ngoại và mấy người dì ngồi dưới liên tục gạt nước mắt. Phút chờ nghị án, cả nhà bị cáo C. căng thẳng bàn hướng chăm sóc, nuôi dạy con của C. sau này. Nghe nói, cháu bé cũng đang có bệnh, cần chữa trị, nhưng không cha, mấy dì đều khó khăn, lại còn lo cho con cái họ. Bà ngoại cháu bé thở dài: chắc phải chờ đến khi nào có đoàn bác sĩ khám, chữa bệnh từ thiện thì gửi tới chữa thôi! Bị cáo thấy vậy cũng tỏ ra sốt sắng, phân công người này chăm sóc, người kia đưa đón con mình đi học... Nhưng một người dì thẳng thừng gạt đi, không muốn bị cáo tham gia, bởi chắc chắn, với mấy chục năm ở tù, bị cáo không thể chăm sóc con mình cho tới khi cháu trưởng thành. Một người quen khác lại cho biết, bản thân bị cáo cũng mang bệnh, lại nghiện ma túy, chẳng biết bị cáo có cơ hội được chăm sóc con nữa không.
Trong khi đó, cháu bé con của bị cáo C. vẫn vô tư đùa nghịch mà chẳng biết cả nhà đang lo lắng cho tương lai của mình. Duy có điều mà ai cũng nhìn thấy, đó là cháu bé chỉ quẩn quanh mấy dì, chẳng hề lại gần mẹ lúc nào. Ngẫm lại lời khai của bị cáo mới thấy, C. viện lý do con bệnh, túng thiếu, nhưng khi có tiền, bị cáo lại mua hết ma túy để sử dụng, thậm chí chẳng buồn ngụy biện “mua để bán lấy lời chữa bệnh cho con”. Xem ra, với người mẹ như C., ma túy vẫn có lực hút lớn hơn đứa con dứt ruột đẻ ra.
TAM THUẬT