10:03, 30/03/2023

Làng cổ Phú Vinh

Thôn Phú Vinh nay thuộc xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, phía Đông giáp xã Vĩnh Ngọc, Tây giáp xã Vĩnh Trung, Bắc giáp sông Cái, Nam giáp xã Vĩnh Hiệp. 
 

Thôn Phú Vinh nay thuộc xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, phía Đông giáp xã Vĩnh Ngọc, Tây giáp xã Vĩnh Trung, Bắc giáp sông Cái, Nam giáp xã Vĩnh Hiệp. 
 
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thôn Phú Vinh có 61 hộ gia đình có công với cách mạng, có 111 liệt sĩ trong hai thời kỳ kháng chiến. Tình hình kinh tế trong thôn tương đối ổn định. Người dân thôn Phú Vinh từ xưa đến nay vốn có bản tính chân thật, chăm chỉ lao động trên ruộng vườn và có truyền thống yêu nước sâu sắc. Tên cũ của thôn trước kia gọi là Phú Vang, đến đời vua Bảo Đại mới đổi lại thành tên Phú Vinh cho đến ngày nay. Thôn Phú Vinh là một thôn lớn và trù phú của xã Vĩnh Thạnh, là nơi mà nhân dân trong xã, từ xa xưa đã chọn địa điểm để dựng lên ngôi đình thờ phụng Thành Hoàng Cao Các (thần núi) và các anh hùng liệt sĩ tiền bối đã có công với làng với nước. Đình Phú Vinh được khởi công vào năm 1888, qua 4 lần trùng tu sửa chữa, đến nay đình vẫn nằm ở vị trí ban đầu. Trong đình có thờ thần Cao Các, và thờ ông Phó luận Trịnh Đăng Phong - mà hiện nay nhân dân thường gọi là Trịnh Phong - Một đại tướng bình Tây của nhân dân Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung trong phong trào Cần Vương chống Pháp của dân tộc ta vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

 

Đình Phú Vinh.
Đình Phú Vinh.
 
Ông Trịnh Phong là một vị tướng trẻ của phong trào Cần Vương trong những năm đầu chống Pháp của quê hương Vĩnh Thạnh, Nha Trang. Năm 1885, ông được phong chức Đại tướng bình Tây. Trịnh Phong đã thân chinh mang quân đi trấn giữ tại các mặt trận hiểm yếu từ Nha Trang đến Hòn Đá Lố (xã Vĩnh Phương bây giờ), đèo Rọ Tượng, Hòn Khói - Ninh Hòa. Ông đã lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm. Tại trận đánh ở Hòn Khói, nghĩa quân đã dùng hỏa công thiêu cháy toàn bộ một đại đội lính Pháp trên 100 tên. Nơi đó, ngày nay người ta gọi là “Đồng cháy”. Trịnh Phong bị địch bắt được tại Hòn Hèo năm 1886 và bị xử chém tại Gò sông Cạn (Diên Khánh), lúc ấy ông mới có 39 tuổi. Nhân dân địa phương ở vùng sông Cạn đã thương tiếc để tang ông và lập miếu thờ tại Diên An - huyện Diên Khánh. Những người trong thân tộc của ông Trịnh Phong và dân làng Phú Vinh đã tìm cách lấy được thi hài của ông về chôn cất tại Gò Cốc làng Phú Vinh. 
 
Người dân thôn Phú Vinh nói riêng và xã Vĩnh Thạnh nói chung rất tự hào về truyền thống đấu tranh giữ gìn độc lập của các vị tiền bối ở quê hương mình. Chính vì thế, suốt trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thôn Phú Vinh xã Vĩnh Thạnh là một địa chỉ đỏ của cách mạng, và biết bao nhiêu người con của thôn Phú Vinh đã ngã xuống trong chiến đấu để có một Phú Vinh tươi đẹp như ngày nay.
 
TƯ LIỆU