11:03, 31/03/2023

Ký ức một thời hoa lửa

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại đèo Phượng Hoàng, nơi ghi dấu chiến công của Sư đoàn 10 chọc thủng "lá chắn thép" của địch, mở toang cửa ngõ Tây Nguyên xuống đồng bằng ven biển, tiến về giải phóng Nha Trang. Dẫu đã 48 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận chiến rực lửa lưng đèo vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính trong đoàn quân giải phóng năm ấy!

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại đèo Phượng Hoàng, nơi ghi dấu chiến công của Sư đoàn 10 chọc thủng “lá chắn thép” của địch, mở toang cửa ngõ Tây Nguyên xuống đồng bằng ven biển, tiến về giải phóng Nha Trang. Dẫu đã 48 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận chiến rực lửa lưng đèo vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính trong đoàn quân giải phóng năm ấy!


Chọc thủng “lá chắn thép”


Chúng tôi cùng cựu chiến binh Lê Thuận Kha, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội hỏa lực thuộc Trung đoàn 66 nằm trong đội hình Sư đoàn 10 thăm lại chiến trường năm xưa. Đứng giữa lưng đèo Phượng Hoàng, chỉ tay về phía tây, ông hồi tưởng, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 18-3-1975, đơn vị ông được lệnh cơ động tiến về phía đông, bám sát đường 21 (nay là Quốc lộ 26) để phá vỡ phòng tuyến của địch trên đèo Phượng Hoàng. Bộ đội hành quân khoảng 10 ngày, đến ngày 28-3 thì tới địa điểm tập kết ngay dưới chân đèo M'Drắk (Đắk Lắk) lúc trời đã nhá nhem tối. Lính trinh sát của đơn vị phát hiện cứ điểm của địch được bố trí sẵn tại những đỉnh cao, toàn đội hình chưa kịp nghỉ ngơi thì lập tức chiến đấu. “Tôi phụ trách pháo cối 82mm có nhiệm vụ nhắm bắn nhằm tiêu diệt các trận địa pháo của địch. Hai bên chiến đấu rất ác liệt, dưới mặt đất, pháo 105mm và 155mm của địch liên tục nã vào trận địa của ta, trên trời địch huy động cả máy bay ném bom. Vào buổi tối, khắp các trận địa pháo 2 bên bắn nhau như đan lưới lửa giữa lưng đèo”, ông Kha nhớ lại.

 

Cựu chiến binh Lê Thuận Kha hồi tưởng về trận chiến trên đèo Phượng Hoàng năm 1975.

Cựu chiến binh Lê Thuận Kha hồi tưởng về trận chiến trên đèo Phượng Hoàng năm 1975.


Chỉ cho chúng tôi nơi từng là sở chỉ huy của địch gần 50 năm trước, ông Kha kể: “Suốt 3 ngày liền từ 30-3-1975 đến 1-4-1975, cuộc chiến diễn ra ác liệt, luôn ở thế giằng co. Nhưng ác liệt nhất là khi đánh vào sở chỉ huy của Lữ đoàn dù 3 vào chiều 1-4-1975. Sau khi các điểm chốt bị tiêu diệt, chúng dồn hết quân về đây. 3 tiểu đoàn (2, 5 và 6) của Lữ đoàn dù 3 ngoan cố chống đỡ. Khi bộ đội của ta tiêu diệt địch ở nhiều trận địa, chúng mới rối loạn và tháo chạy về phía Ninh Hòa”.

 

Đèo Phượng Hoàng nơi ghi dấu chiến công oanh liệt  của Sư đoàn 10 trong trận chiến với Lữ đoàn dù 3  của địch năm 1975.

Đèo Phượng Hoàng nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của Sư đoàn 10 trong trận chiến với Lữ đoàn dù 3 của địch năm 1975.


Cũng nằm trong đội hình chiến đấu tại đèo Phượng Hoàng, cựu chiến binh Lương Văn Nhân, Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 (hiện sống tại TP. Nha Trang) cho biết: “Do địch đã bố trí các trận địa dày đặc trên đèo Phượng Hoàng nên đơn vị chúng tôi nhận lệnh phải vượt qua các dãy núi cao bí mật cơ động về phía Ninh Hòa nhằm bọc hậu, đánh vu hồi nếu địch bỏ chạy và chặn đường chi viện của địch từ Dục Mỹ lên. Lúc ấy, đường đi không có, lính trinh sát dò đường, công binh chặt cây mở lối, gần 10 ngày mới tới được vị trí tập kết. Chúng tôi đóng quân ngay phía dưới cầu Suối Chình (Ninh Tây, Ninh Hòa), cách địch chỉ có mấy trăm mét. Đơn vị tôi nằm ngay sát trận địa pháo 105mm của địch, nơi chúng bố trí 10 khẩu pháo. Chiều 31-3-1975, khi địch tháo chạy về Ninh Hòa, đơn vị chúng tôi đã chờ sẵn truy kích địch. Đến sáng 1-4-1975, ta làm chủ hoàn toàn đèo Phượng Hoàng. Hàng trăm tên địch chạy về phía Tân Lâm, Tân Tử, Đồng Thân (Tây Ninh Hòa) bị du kích và đồng bào địa phương uy hiếp, một số ra hàng, một số chạy dạt qua Quốc lộ 1 về phía Hòn Khói. Toàn bộ lực lượng địch còn lại thuộc Lữ đoàn dù 3 đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống; thu toàn bộ vũ khí, xe pháo, đạn dược, mở thông cánh cửa xuống vùng đồng bằng ven biển”.

 

Cựu chiến binh Lương Văn Nhân  kể về ký ức một thời hoa lửa với trận chiến đỏ lửa  lưng đèo Phượng Hoàng.

Cựu chiến binh Lương Văn Nhân kể về ký ức một thời hoa lửa với trận chiến đỏ lửa lưng đèo Phượng Hoàng.


Giải phóng Nha Trang


Lữ đoàn dù 3 bị tiêu diệt, “lá chắn thép” phía tây tỉnh bị chọc thủng, đường xuống đồng bằng đã mở. Cả Sư đoàn 10 bừng bừng khí thế tiến về đồng bằng. “Sau khi chiếm được đèo Phượng Hoàng, toàn bộ đội hình của Sư đoàn 10 tiến xuống chiếm Trung tâm huấn luyện Lam Sơn - căn cứ biệt kích đóng quân Dục Mỹ và huyện lỵ Ninh Hòa. Khi tiến vào Ninh Hòa, người dân đứng dọc đường chào đón, không khí rất náo nhiệt. Đơn vị tôi đóng quân tại Ngã ba trong Ninh Hòa và ở lại đây 1 ngày chỉnh đốn đội hình để tiến về giải phóng Nha Trang”, cựu chiến binh Lương Văn Nhân nhớ lại.

 

Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ của Sư đoàn 10 hy sinh trong trận chiến đèo Phượng Hoàng.

Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ của Sư đoàn 10 hy sinh trong trận chiến đèo Phượng Hoàng.


Sáng 2-4-1975, sau khi làm chủ huyện lỵ Ninh Hòa, Sư đoàn 10 đã tranh thủ thời cơ nhanh chóng tổ chức lực lượng đột phá bằng binh chủng hợp thành tiến theo Quốc lộ 1 vào giải phóng Nha Trang ngay trong chiều 2-4. Hồi tưởng về ký ức đẹp khi giải phóng Nha Trang, ông Lương Văn Nhân nhớ lại: “Nhận được lệnh từ cấp trên, Đại đội 11 cùng với đội hình của các đơn vị Sư đoàn 10 tiến vào Nha Trang trong tình cảnh quân địch trong nội thành hỗn loạn. Tôi may mắn được ngồi trên xe tăng di chuyển vào thị xã Nha Trang. Khi vào đến khu vực nội thành, nhân dân từ Đồng Đế đến nhà Thông tin đã đổ ra đường đón bộ đội cách mạng. Những tiếng hoan hô vang dội, vui mừng khôn xiết. Đơn vị tôi đã đánh chiếm trụ sở Quân đoàn 2 của địch, bây giờ là Nhà khách T.78 Nha Trang. Đơn vị tôi chia làm 3 tiểu đội, 2 tiểu đội được huy động ra bờ biển khu vực vườn dương để đào công sự, có tình hình địch sẽ chiến đấu ngay và 1 tiểu đội trấn giữ trụ sở Quân đoàn 2. Đến 12 giờ 30 ngày 3-4-1975, Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng thị xã Cam Ranh và khu liên hợp quân sự Cam Ranh, sau đó tiếp tục triển khai lực lượng làm nhiệm vụ mới”.


Thăm lại chiến trường xưa


Trở lại đèo Phượng Hoàng sau 48 năm, những người lính năm xưa vẫn rưng rưng xúc động. Bởi nơi đây không chỉ ghi dấu chiến công oanh liệt một thời, mà còn có đồng đội, những người kề vai sát cánh với họ đã mãi mãi nằm xuống ở tuổi đôi mươi. Dưới chân đèo Phượng Hoàng, mỗi người lính đều cảm nhận được mảnh đất này đang từng ngày “thay da đổi thịt”, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, hệ thống hạ tầng cơ sở, đường giao thông, trạm y tế, trường học được đầu tư hoàn thiện.


Ông Lê Xuân Tuyên - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa cho biết, trước ngày giải phóng, toàn xã có 4 buôn người Ê Đê và 2 buôn người Raglai (nằm trong căn cứ cách mạng Ba Nuôn) với chỉ hơn 1.500 người. Người đồng bào tuy khó khăn vất vả nhưng thời điểm đó vẫn luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, giúp đỡ cách mạng. Sau ngày giải phóng, Ninh Tây đang thay đổi mạnh mẽ, những vùng rừng núi trơ trọi vì bom đạn, vì chất độc hóa học năm nào giờ trở nên xanh ngắt ngút ngàn. Người dân đã định canh, định cư, tích cực tham gia sản xuất. Hiện tại, địa phương đã có các đơn vị chăn nuôi của quân đội, nông trường bò giống miền Trung. Đặc biệt, sau khi người Kinh tới sinh sống đã giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện xã có hơn 5.000 nhân khẩu; năm 2023, địa phương nỗ lực để đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa tinh thần ngày càng được nâng lên, toàn xã chỉ còn hơn 130 hộ nghèo.


Cũng theo lãnh đạo UBND xã Ninh Tây, địa phương có tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch; thời gian tới, địa phương sẽ nỗ lực cùng với các ban, ngành, đoàn thể của thị xã kêu gọi đầu tư. Hiện địa phương đã quy hoạch 50ha suối khoáng nóng Trường Xuân; nhiều con suối đẹp đầu nguồn có thể khai thác du lịch. Ngoài ra, xã có quỹ đất nông nghiệp lớn nên sẽ tập trung kêu gọi đầu tư các trang trại lớn về chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao.

 

Theo hồi ký Thiếu tướng Hồ Đệ - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3: Đèo Phượng Hoàng là tuyến đèo hiểm trở dài 12km và là cửa ngõ then chốt để quân chủ lực ta tiến xuống giải phóng đồng bằng ven biển khu V. Biết rõ vị trí chiến lược quan trọng này, ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn đã triển khai lực lượng mở phòng tuyến đèo Phượng Hoàng, đưa Lữ đoàn dù 3 tinh nhuệ nhất của chúng với 4.000 quân cùng hàng chục khẩu pháo 105mm và 155mm chiếm giữ đèo, hòng tạo ra một lá chắn thép nhằm ngăn chặn quân ta tiến xuống đồng bằng giải phóng Khánh Hòa, Phú Yên. Chúng hi vọng khi giữ được vùng đồng bằng và ven biển thì sau đó có thể củng cố lực lượng để tái chiếm Tây Nguyên. Đây là trận đánh quan trọng cuối cùng của Chiến dịch Tây Nguyên.


THÀNH NAM