09:03, 06/03/2020

Phòng trọ, căn hộ… ế khách

Hơn 1 tháng qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường cho thuê nhà trọ, căn hộ ngày càng ế ẩm. Các chủ nhà trọ xoay sở nhiều cách nhưng tình hình vẫn rất ảm đạm.
 

Hơn 1 tháng qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường cho thuê nhà trọ, căn hộ ngày càng ế ẩm. Các chủ nhà trọ xoay sở nhiều cách nhưng tình hình vẫn rất ảm đạm.
 
Giảm giá vẫn ế
 
Mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Thanh, chủ khu nhà trọ ở đường 2-4, phường Vạn Thắng, Nha Trang liên tục lên mạng xã hội để rao cho thuê các căn phòng trọ. Kinh doanh nhà trọ gần 10 năm nay, chưa bao giờ gia đình bà lâm vào cảnh ế ẩm như hiện nay. Thời gian trước, 10 căn phòng trọ, mỗi căn có tổng diện tích gần 50m2, gồm 1 trệt, gác lửng, cửa đi riêng, ban công, nhà vệ sinh, cáp tivi, wifi… bà cho thuê với giá 2,5/triệu đồng/tháng nhưng luôn luôn kín phòng. Tuy nhiên, từ ra Tết Nguyên đán đến nay, số khách trả phòng cứ tăng dần mà lại rất ít người hỏi thuê mới. Đến nay, bà còn trống 5 phòng. Dán bảng cho thuê trước nhà không hiệu quả nên bà đã sử dụng mạng xã hội để tìm khách thuê. Thế nhưng, rất ít người hỏi đến. “Đợt bão cuối năm 2017, dãy nhà trọ bị tốc mái, hư hỏng nặng tôi phải sửa chữa, nâng cấp lại hết 300 triệu đồng, đến nay chưa thu hồi vốn. Hiện nay ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều khách thất nghiệp nên trả phòng về quê hoặc chuyển chỗ ở để ở ghép. Hiện nay, tôi đã giảm giá 500.000 đồng/phòng nhưng vẫn ế, nếu không có người thuê, tôi sẽ tiếp tục hạ giá chứ không thể để nhà trống, vì như vậy vừa không có thu nhập, nhà lại nhanh xuống cấp hơn”, bà Thanh nói.

 

Phường Vĩnh Phước là khu vực có nhiều phòng trọ ế ẩm.
Phường Vĩnh Phước là khu vực có nhiều phòng trọ ế ẩm.
 
Tình hình tại các khu trọ xung quanh Trường Đại học Nha Trang, thuộc 2 phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ cũng ảm đạm không kém. Tại đây, mấy năm nay, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư nhiều khu nhà trọ chuyên nghiệp, có quy mô từ 20 - 40 phòng, mục đích chính là cho sinh viên và người lao động thuê. Trước Tết Nguyên đán, hàng ngàn sinh viên đã về quê đón Tết nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên đến nay vẫn chưa nhập học trở lại. Vì thế, lượng phòng bỏ trống còn rất nhiều, lên đến cả ngàn phòng. Bà Hoàng Thị Loan, bán tạp hóa và là chủ khu nhà trọ 12 phòng ở đường Lang Liêu, phường Vĩnh Phước cho biết, khu nhà trọ của bà đang bỏ trống 2/3 số phòng. Lượng khách thuê trọ giảm nên việc bán tạp hóa cũng ế ẩm theo. “Chưa bao giờ tôi gặp khó khăn như hiện nay. Tôi hi vọng với công tác phòng, chống dịch hiệu quả của Nhà nước như hiện nay thì tình hình sẽ dần ổn định, cho những người dân bớt khó khăn”, bà Loan nói.
 
Khó khăn
 
Việc cho thuê căn hộ, phòng trọ ế ẩm, nhiều phòng phải để trống là tình hình chung của những người kinh doanh căn hộ, phòng trọ ở TP. Nha Trang hiện nay. Tuy nhiên, đối với những người kinh doanh theo quy mô hộ gia đình, vốn tự có thì khó khăn ít, khó khăn nhiều nhất chính là những người đang vay vốn ngân hàng để đầu tư nhà cho thuê, nhất là các chủ đầu tư căn hộ cao cấp. Đối tượng thuê nhà dạng căn hộ chủ yếu là người Trung Quốc, Hàn Quốc và người Việt có thu nhập ổn định. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động dịch vụ du lịch với Trung Quốc, Hàn Quốc bị đình trệ, các khách hàng đã đồng loạt trả phòng về nước hoặc về quê do phải tạm nghỉ việc, hoặc chuyển sang tìm kiếm phòng trọ, căn hộ giá rẻ hơn để thuê ở qua giai đoạn khó khăn. Vì vậy, các chủ đầu tư căn hộ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. 
 
Để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, trả nợ ngân hàng, hoặc không phải bỏ phòng trống khiến nhà nhanh xuống cấp, hiện nay đang diễn ra một cuộc chạy đua ngầm giảm giá, kéo khách giữa các chủ cho thuê căn hộ và phòng trọ, với mục đích cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ đầu tư khu căn hộ tại Khu đô thị VCN Phước Hải cho hay, năm trước bà vay 2 tỷ đồng để xây dựng khu căn hộ cho thuê với quy mô 4 tầng, 10 căn hộ. Theo tính toán ban đầu, bình quân mỗi căn cho thuê 5 triệu đồng, mỗi tháng thu 50 triệu đồng. Sau 4 năm chưa tính phần lãi có thể thu hồi số tiền đã đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, số phòng cho thuê chỉ đạt một nửa, tiền thuê cũng giảm mạnh từ 5 triệu xuống còn 2 hoặc 3 triệu đồng/căn hộ, nên số tiền thu nhập hàng tháng giảm mạnh. “Trước đây, tôi chọn gói vay vốn để xây nhà ở chứ không phải xây nhà để kinh doanh nên khó hy vọng được ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ. Bây giờ, chỉ mong sao dịch bệnh mau hết, khách du lịch trở lại, chứ tình hình như hiện nay mà kéo dài thì tôi sẽ gặp khó khăn về trả lãi vay”.
 
Lưu Khánh