11:03, 13/03/2018

Ngẩn ngơ nhìn VN-Index vượt đỉnh

Thị trường hôm nay diễn biến rất kịch tính và đầy bất ngờ khi đến những phút cuối đợt khớp lệnh liên tục mới xuất hiện sóng phục hồi...

Thị trường hôm nay diễn biến rất kịch tính và đầy bất ngờ khi đến những phút cuối đợt khớp lệnh liên tục mới xuất hiện sóng phục hồi...
 

 VN-Index tăng dựng đứng trong vài phút cuối phiên.

VN-Index tăng dựng đứng trong vài phút cuối phiên.


Thị trường hôm nay diễn biến rất kịch tính và đầy bất ngờ khi đến những phút cuối đợt khớp lệnh liên tục mới xuất hiện sóng phục hồi.

Gần như cả phiên hôm nay VN-Index liên tục tạo các bậc thang đi xuống, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và chỉ số đỏ liên tục. Nhịp giảm mạnh nhất đầu phiên chiều ép chỉ số xuống tận 1118,49 điểm, giảm 0,69% so với tham chiếu.

Thị trường cải thiện một chút từ sau 14h nhưng phải đến khi chỉ còn 8 phút nữa là hết đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index mới có được màu xanh. Kể cả khi đó cũng không có dấu hiệu nào là thị trường sẽ bùng nổ được.

Khác biệt chính là một số cổ phiếu ngân hàng đột nhiên mạnh lên đáng kể. Đó là VCB phục hồi cực nhanh trở lại mốc tham chiếu 72.000 đồng từ giá rất thấp 70.800 đồng. CTG vốn đã tăng trong phiên nhưng 3 phút cuối vọt từ 34.500 đồng lên 34.900 đồng. Đặc biệt đóng cửa CTG xuất hiện lệnh mua rất lớn với hơn 1,7 triệu cổ đập vào. CTG tưởng như đã đóng cửa ở giá kịch trần, nhưng sau đó lùi lại hai giá, tăng 6,73%.

BID, MBB, VPB, STB cũng đều có một nhịp tăng tương tự CTG và cũng có đột biến mạnh thêm lúc đóng cửa. Nhóm ngân hàng là những cổ phiếu biến động mạnh nhất hôm nay và kêt thúc hầu hết là tăng.

Ngoài các mã ngân hàng, ít có cổ phiếu nào đột biến được thêm trong thời điểm đóng cửa. SAB, VNM, VIC, VJC, MSN, HPG, GAS thậm chí còn tụt trở lại vài giá.

Tính chung cuộc thì ngân hàng là điểm nổ, nhưng VIC và VNM lại là cổ phiếu có công lớn nhất giữ nhịp cho thị trường. VIC và VNM bền bỉ tăng trong phiên khi thị trường "đen tối" nhất và không thấy các mã ngân hàng "sủi tăm" (trừ CTG). Đóng cửa VIC tăng 2,6%, VNM tăng 1,94%, vẫn đẩy VN-Index nhiều hơn là CTG.

Đối với VN30-Index, VIC và VNM cũng là hai cổ phiếu tạo điểm số nhiều nhất, sau đó đến MBB rồi mới là CTG. SBT nhờ tăng giá kịch trần lúc đóng cửa cũng tham gia nhóm kiến tạo điểm tăng của chỉ số.

Do VIC và VNM hầu như không tăng mạnh hơn được mà chủ đạo là duy trì đà tăng, nên sự đột biến của VN-Index cuối phiên là nhờ thay đổi giá của cổ phiếu ngân hàng. Tốc độ tăng giá của nhóm ngân hàng nhanh đến mức chỉ còn chưa đầy 3 phút trước khi thị trường bước vào đợt đóng cửa, VN-Index vọt luôn qua ngưỡng 1.130 điểm. Chốt trước đợt đóng cửa, chỉ số đạt 1.132,5 điểm, tức là đóng cửa chỉ số tăng thêm có 0,8 điểm nữa mà thôi.

Mặc dù điểm số bay cao rất nhanh nhưng dường như nhà đầu tư phản ứng không mạnh. Đợt đóng cửa ở HSX chỉ ghi nhận 448,5 tỷ đồng giá trị khớp lệnh, khá nhỏ. Trong đó, 70% là giao dịch của rổ VN30 cộng với VRE, VPB. Giao dịch của CTG, VPB, STB và MBB thuộc nhóm lớn nhất.

Như vậy mới có sức mua tăng đột biến ở các cổ phiếu ngân hàng vào cuối phiên chiều cũng như trong đợt đóng cửa. Thanh khoản buổi chiều cũng chỉ tăng 8% so với chiều hôm qua và giá trị khớp tổng hợp cả ngày tăng có 0,3%.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục mua ròng chủ đạo là nhờ VRE. Tổng giá trị mua cổ phiếu bao gồm cả thỏa thuận giảm 19% so với hôm qua, đạt 1.198,1 tỷ đồng. Giá trị bán ra tăng 29%, đạt 1.033,1 tỷ đồng.

 

Theo vneconomy