11:01, 18/01/2017

Nở rộ mua sắm Tết online

Thời điểm này, khi các cửa hàng kinh doanh đang nhộn nhịp vào vụ Tết thì việc buôn bán các mặt hàng Tết trên mạng xã hội (Facebook) cũng sôi động không kém.

Thời điểm này, khi các cửa hàng kinh doanh đang nhộn nhịp vào vụ Tết thì việc buôn bán các mặt hàng Tết trên mạng xã hội (Facebook) cũng sôi động không kém.


Các chủ kinh doanh thời vụ đang tận dụng những ưu thế của mạng xã hội và công cụ bán hàng trực tuyến để vừa tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên nhưng vẫn có thể ăn nên làm ra. Hoạt động bán hàng trên mạng diễn ra thường xuyên, nhưng cận Tết càng sôi nổi hơn với nhiều mặt hàng đặc trưng của Tết Việt. Ngay từ những ngày đầu tháng 11 âm lịch, chị Nguyễn Thị Hòa (đường Phong Châu, TP. Nha Trang) đã “tung” các sản phẩm phục vụ Tết lên địa chỉ facebook cá nhân và một vài địa chỉ nhóm, hội ở Nha Trang. Hàng hóa đủ thể loại, từ những mặt hàng có sẵn như: quần áo, mứt, trái cây… đến nhận làm các món ăn truyền thống ngày Tết như: thịt ngâm mắm, thịt kho tàu, thịt kho măng… Chị Hòa cho biết: “Thông thường, phải đến ngày 27, 28-12 tháng Chạp, công nhân, người lao động, công chức nhà nước mới được nghỉ Tết. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm Tết khá lớn nên nhiều người chọn mua và đặt hàng qua mạng. Vì vậy, thời điểm này, lượng khách hàng tăng đột biến, đặc biệt đối với những mặt hàng “độc, lạ”, đặc sản địa phương lại càng hút khách”.


Chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại kết nối Internet, người bán và người mua có thể kinh doanh, mua sắm những mặt hàng thiết yếu. Hàng trăm mặt hàng phục vụ Tết từ nhỏ đến lớn đều có mặt trên mạng xã hội như: bao lì xì, bánh mứt, đổi tiền mới, hoa, cây cảnh, măng khô, bánh chưng, bánh tét, đồ bày biện cúng gia tiên… Phần lớn những chủ cửa hàng “online” là giới trẻ làm nhân viên văn phòng, sinh viên… nhanh nhạy nắm bắt công nghệ thông tin và xu hướng mua sắm thời vụ của người tiêu dùng. Những người kinh doanh “tay ngang” này thường tranh thủ bán hàng kiếm thêm thu nhập. Do đó, mức giá của những mặt hàng “online” thường có giá khá mềm so với ngoài thị trường.


Bạn Hoàng Thị Ánh (sinh viên năm 3, Trường Đại học Nha Trang) chia sẻ: “Nhà tôi ở Đà Lạt nên có nhiều sản phẩm có thể bán trong dịp Tết như: rau, trái cây, mứt sấy, nước ép trái cây… Vì vậy, năm nào tôi cũng tranh thủ rao bán trên facebook cá nhân, chủ yếu là bán cho các bạn sinh viên với giá rẻ hơn so với nhiều nơi”.  


Không chỉ đối với người bán mà mua hàng qua mạng cũng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Càng gần Tết, các mặt hàng bán ngoài thị trường mỗi nơi một giá. Mua trên mạng, khách hàng không mất nhiều thời gian đi lại, chen chúc chỗ đông người, có thể so sánh về giá cả, lựa chọn thời điểm giao hàng phù hợp. “Hầu hết các mặt hàng bán trên trang mạng xã hội của cá nhân đều là bạn bè, người thân nên tôi có cơ hội mua sắm nhiều đặc sản vùng miền hơn; đồng thời, biết rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như tin tưởng phần nào vào chất lượng sản phẩm do bạn bè giới thiệu.


Mua bán trên diễn đàn, mạng xã hội của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của cơ quan nào, và tất nhiên các sản phẩm cũng không được lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát. Do đó, hình thức mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: đã thanh toán tiền nhưng không nhận được món hàng đặt mua, hoặc hàng nhận về không đúng chất lượng, mẫu mã, màu sắc như đã quảng cáo… Bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: “Năm qua, hội đã tiếp nhận và giải quyết hơn 10 vụ khiếu nại, khiếu kiện về mua hàng qua mạng. Phần lớn các vụ khiếu nại là do người bán giao hàng không đúng chất lượng, mẫu mã đã đăng tải, quảng cáo. Vì vậy, hội khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn địa chỉ tin cậy, khi nhận hàng cần kiểm tra chất lượng, mẫu mã hàng hóa trước khi thanh toán tiền. Nếu có tranh chấp về hàng hóa, cần báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng”.


MAI HOÀNG