12:12, 27/12/2018

Gỡ khó cho hộ vay vốn chính sách thiệt hại do mưa lũ

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa đang rà soát các hộ vay vốn chính sách bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 8 và số 9 vừa qua để xem xét có hướng tháo gỡ khó khăn cho hộ vay.

 

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa đang rà soát các hộ vay vốn chính sách bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 8 và số 9 vừa qua để xem xét có hướng tháo gỡ khó khăn cho hộ vay.


Phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lũ với nhiều nhà bị sập hoàn toàn, hư hỏng nặng. Nhà ông Tống Văn Hùng (tổ 3 Trường Hải) bị hư hỏng nặng nên phải đi mướn phòng trọ ở tạm. Nhà có ghe nhỏ nên mấy tháng trước, ông Hùng mới vay 30 triệu đồng của NHCSXH để sắm lưới đi biển. Tuy nhiên, một giàn mành tôm đã bị hư hỏng trong đợt mưa lũ. Gia đình vốn thuộc diện hộ cận nghèo, hoàn cảnh lại càng thêm khó, vì vậy, ông Hùng có nguyện vọng được NH tiếp tục cho vay vốn.


Sau khi căn nhà xây của bà Trần Thị Tuyết Chung (tổ 3 Trường Hải) sập một phần do bão, gia đình chỉ che bạt tạm bợ để tiếp tục ở. Hiện nay, gia đình bà còn nợ NHCSXH tỉnh 15 triệu đồng. Hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên bà không dám vay tiếp vì không có khả năng trả. Bà chỉ mong được NH xem xét xử lý nợ cho gia đình.

 

Đến nay, tổng số vốn vay chính sách bị thiệt hại của toàn tỉnh khoảng gần 1,2 tỷ đồng, trong đó, TP. Nha Trang hơn 870 triệu đồng; còn lại ở TP. Cam Ranh. Hiện nay, NHCSXH tỉnh vẫn đang tiếp tục chờ kết quả rà soát của các địa phương, tổng hợp để báo cáo Trung ương xem xét xử lý đối với từng trường hợp.

Trong các địa phương của TP. Nha Trang, xã Phước Đồng bị thiệt hại nặng nề nhất cả về người và tài sản. Trong số những hộ bị thiệt hại nặng về tài sản có gia đình bà Đặng Thị Vân Anh (thôn Phước Lộc). Trong đợt lũ vừa qua, đàn heo của gia đình bà bị nước lũ cuốn trôi, chết mất 185 con, 69 con vớt được sau đó cũng chết dần chết mòn mất một nửa, ước thiệt hại gần 500 triệu đồng. Hết vốn, khoảng nửa tháng nay, mấy lao động trong nhà bà Anh phải bán trái cây ở vỉa hè để có thu nhập qua ngày. Trong số tiền đầu tư chăn nuôi có một phần vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh. Hiện nay, gia đình bà có nguyện vọng được NHCSXH tiếp tục cho vay để gây lại đàn heo.


Theo bà Phan Phước Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh, NH phối hợp với các địa phương xác định mức độ thiệt hại để có hướng xử lý thích hợp. Nếu thiệt hại liên quan đến con người như người vay vốn chết do nhà sập thì xóa nợ. Còn đối với thiệt hại liên quan đến đối tượng đầu tư của NH, ví dụ như hộ vay vốn để đầu tư nuôi heo, bò… bị trôi, chết sẽ khoanh nợ. Thời gian khoanh nợ xác định theo mức độ thiệt hại, nếu mức độ thiệt hại từ 40 - 80% thì khoanh nợ tối đa 3 năm, còn từ 80 - 100% thì khoanh nợ tối đa 5 năm. Trong thời gian khoanh nợ người vay không phải trả lãi.


Theo hướng dẫn, việc cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan của NHCSXH chỉ áp dụng đối với các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo đó, hộ vay vốn các chương trình trên rủi ro do nguyên nhân khách quan (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh) sẽ được khoanh nợ, sau đó vẫn tiếp tục được xét cho vay vốn bổ sung theo các chương trình này để khôi phục sản xuất, kinh doanh.


K.Ninh