10:05, 25/05/2013

Ngân hàng tìm cách “khơi thông” nguồn vốn

Nếu như thời điểm này của những năm trước, nhiều ngân hàng (NH) rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản thì hiện nay, hầu hết lại dư thừa vốn

Nếu như thời điểm này của những năm trước, nhiều ngân hàng (NH) rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản thì hiện nay, hầu hết lại dư thừa vốn. Nguồn vốn dư trong khi người vay ít đã đẩy các NH vào cảnh "ứ" vốn. Vì thế, sau những NH lớn như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, các NH thương mại cổ phần (TMCP) có quy mô nhỏ hơn cũng tìm cách hạ lãi suất cho vay nhằm "khơi thông" nguồn vốn…

 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), mặc dù hoạt động tín dụng của hơn 4 tháng đầu năm nay tăng trở lại, với mức tăng 1,4% so với cuối năm 2012, nhưng so với nhiều năm trước, đây là mức thấp. Trong khi đó, tổng nguồn vốn huy động tăng 5,34%, có nghĩa là nguồn tiền gửi vào NH đang dư, còn "đầu ra" của dòng tiền lại chậm. DN ngại vay để mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD), người dân cũng không dám vay vì sợ không "gánh" nổi lãi suất, ngay cả khi lãi suất đã giảm nhiều so với những thời điểm trước (có thời điểm lãi suất cho vay tới 23-25%/năm).

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Nhu cầu vay vốn của DN thấp do vẫn phải đối mặt với những khó khăn như hàng tồn kho, khả năng tiêu thụ sản phẩm hạn chế, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm… Hiện nay, những DN có "sức khỏe" tốt không có nhu cầu vay vốn NH, còn những DN yếu muốn tiếp cận nguồn vốn lại không có đủ điều kiện vay… Còn đối với những sản phẩm vay tiêu dùng, ngay cả khi NH đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn song cửa vay tiêu dùng vẫn "bỏ ngỏ" vì trong bối cảnh chi phí cho cuộc sống "leo thang" như hiện nay, nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân bị "gác" lại. NH dư thừa vốn, người vay dè dặt, khiến hoạt động NH không được "lưu thông", do vậy NH sẽ buộc phải điều chỉnh lãi suất cho vay để thu hút khách hàng.

 

Sau "làn sóng" điều chỉnh lãi suất huy động VND xuống dưới mức trần cho phép của NHNN từ các NH lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank để từ đó giảm chi phí, hỗ trợ cho việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhiều NH khác cũng tìm cách xoay xở. Các chuyên gia nhận định, những điều kiện thực tế hiện nay phù hợp để các NH tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, bởi nguồn vốn khả dụng bằng VND của các tổ chức tín dụng dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán, nhu cầu vay vốn của các NH qua nghiệp vụ thị trường mở không lớn. Tính thanh khoản của hệ thống NH được bảo đảm. Theo thống kê của NHNN, thời gian gần đây lãi suất trên thị trường liên NH duy trì ở mức thấp, giảm so với đầu năm, trong đó lãi suất qua đêm: 2-3%/năm, 1 tuần: 2,6-3,2%/năm, 1 tháng: 4,3-5%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm 1-2%/năm so với đầu năm. Hiện, lãi suất huy động phổ biến ở mức 1-2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn, kỳ hạn dưới 1 tháng đến dưới 12 tháng: 6-7,5%/năm, từ 12 tháng trở lên: 9-10,5%/năm. Lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên: 9-11%/năm, SXKD khác: 11-13%/năm ở khối NHTM nhà nước, 12-15%/năm ở khối NH TMCP. Một số DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án SXKD hiệu quả đã được cho vay với lãi suất 9-10%/năm.

 

Nhìn vào biểu lãi suất cho vay của từng NH cũng thấy được dấu hiệu "hạ nhiệt" lãi suất so với nhiều thời điểm trước. Cụ thể, ở BIDV, lãi suất cho vay với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên như nông thôn, tài trợ xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao, khắc phục bão lũ… được kéo về mức tối đa 10%/năm; các khoản vay cũ, phải chịu lãi suất hơn 13%/năm, được giảm về 13%/năm. Như vậy, kể từ tháng 7-2012 đến nay, BIDV đã giảm lãi suất cho vay 1-2%/năm cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả SXKD. Cùng với BIDV, VietinBank triển khai nhiều gói tín dụng ngắn hạn, với tổng giá trị 80 nghìn tỷ đồng để cho vay ưu đãi, lãi suất thấp nhất chỉ 7%/năm. Có quy mô nhỏ hơn, nhưng HDBank cũng dành gói tín dụng 91.000 tỷ đồng với lãi suất 10,5-11,5%/năm dành cho DN vừa và nhỏ có nhu cầu bổ sung vốn lưu động để SXKD hàng xuất nhập khẩu. Mức lãi suất này được áp dụng cố định trong suốt kỳ hạn vay. Hàng loạt NH khác như LienVietPostBank, VPBank, TienPhongBank… cũng triển khai các sản phẩm tín dụng với lãi suất khá hợp lý để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.

 

Lãi suất cho vay đã giảm nhưng vấn đề mà DN cần chính là tính ổn định để DN có thể vay vốn cho những kế hoạch "dài hơi". Nếu NH cho vay với lãi suất ban đầu thấp nhưng lại điều chỉnh tăng liên tục với lý do bù đắp chi phí thì DN cũng khó "chạy theo".

 

Theo HNM