Mô hình nuôi thương phẩm cá chạch lấu do Thạc sĩ Lê Hoài Nam - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và công nghệ Khánh Hòa (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ) làm chủ nhiệm đề tài vừa được cơ quan chức năng nghiệm thu. Kết quả đề tài góp phần mở rộng đối tượng thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh, giúp người dân nâng cao thu nhập trong thời gian tới.
Mô hình nuôi thương phẩm cá chạch lấu do Thạc sĩ Lê Hoài Nam - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) Khánh Hòa (thuộc Sở KH-CN) làm chủ nhiệm đề tài vừa được cơ quan chức năng nghiệm thu. Kết quả đề tài góp phần mở rộng đối tượng thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh, giúp người dân nâng cao thu nhập trong thời gian tới.
Triển khai xây dựng 3 mô hình
Theo Thạc sĩ Lê Hoài Nam, cá chạch lấu là loài cá nước ngọt, có ở nhiều nước, như: Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Tại Việt Nam, cá chạch lấu phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía bắc và Nam Trung Bộ. Thịt cá chạch lấu thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, cá cỡ 300 - 500g/con có giá 250.000 - 400.000 đồng/kg. Điều này khiến cá chạch lấu bị khai thác quá mức nên lượng cá tự nhiên ngày càng suy giảm mạnh. Do đó, việc chuyển hướng sang nuôi công nghiệp là hướng đi phù hợp với xu thế chung.
Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành trong nước đã nghiên cứu nuôi thử nghiệm loài cá này cho kết quả khả quan, khẳng định đây là đối tượng nuôi cần được khuyến khích phát triển. Trên địa bàn tỉnh có hàng chục hồ thủy lợi và thủy điện là điều kiện để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các loài cá truyền thống, như: Cá trôi, mè, trắm, chép, rô phi, trê…, giá trị và hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế đó, Sở KH-CN đã đặt hàng Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở: “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chạch lấu trong ao đất tại Khánh Hòa”.
Đề tài triển khai từ tháng 9-2020 đến tháng 6-2022 với việc xây dựng 3 mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm tại 3 hộ dân, gồm: Ông Lương Thành Lập (thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm); ông Lê Đại Dương (thôn Trung 3, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) và ông Lê Mai Duyên (thôn 5, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa). Tổng diện tích 3 mô hình là 2.150m2. Con giống được nhập từ các trại sản xuất giống của Trung tâm Giống thủy sản An Giang. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tổ chức 3 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi cho cán bộ, nông dân và 60 người dân tại địa phương triển khai mô hình.
Kết quả khả quan
Sau thời gian nuôi, 3 mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm vượt trội so với yêu cầu đặt ra ban đầu. Cụ thể: Tỷ lệ cá sống đạt 80 - 99% (so với yêu cầu hơn 70%); tổng khối lượng cá thu hoạch đạt 1.414kg/tổng diện tích ao nuôi (so với yêu cầu 875kg); kích cỡ cá thương phẩm 200 - 300g/con (so với yêu cầu trung bình 250g/con). Mặt khác, tỷ lệ tiêu hao thức ăn thấp nên tỷ suất lợi nhuận đạt khá cao (từ 20,4% đến 88%). Kết quả này cho thấy, cá chạch lấu là đối tượng thủy sản giá trị cao, giàu tiềm năng để phát triển tại các vùng nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN Khánh Hòa, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, tuyên truyền kết quả đề tài để người dân có thể tiếp cận với công nghệ nuôi thương phẩm cá chạch lấu trong ao đất. Bên cạnh đó, cần đặt ra và giải quyết được vấn đề kết nối cung - cầu về cá chạch lấu thương phẩm giữa doanh nghiệp, người dân, Nhà nước để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, khuyến khích và thúc đẩy người dân phát triển các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH-CN tiếp theo để hỗ trợ người dân, như: Nghiên cứu, chuyển giao quy trình sản xuất giống; xây dựng mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh cá chạch lấu trong ao lót bạt; ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước để sản xuất giống và nuôi thương phẩm quy mô vừa và nhỏ trước khi triển khai ở quy mô công nghiệp…
Ngày 31-1, Giám đốc Sở KH-CN phê duyệt và công bố kết quả thực hiện đề tài KH-CN cấp cơ sở “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chạch lấu trong ao đất tại Khánh Hòa”. Theo đó, sở giao Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN đề xuất phương án triển khai, nhân rộng để ứng dụng kết quả đề tài vào thực tiễn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn tuyên truyền, tập huấn và chuyển giao mô hình nuôi thương phẩm cá chạch lấu trong ao đất cho các đơn vị, địa phương và các hộ dân khi có yêu cầu; theo dõi và thực hiện báo cáo ứng dụng kết quả đề tài sau nghiệm thu về Sở KH-CN theo quy định. |
Q.V