10:06, 03/06/2021

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử; siêu thị chủ động lên kế hoạch thu mua; kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ... là các giải pháp được nêu ra tại hội nghị tìm giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Sở Công Thương tổ chức ngày 3-6.

Đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử; siêu thị chủ động lên kế hoạch thu mua; kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ... là các giải pháp được nêu ra tại hội nghị tìm giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Sở Công Thương tổ chức ngày 3-6.


Đầu ra khó khăn


Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có 17.600ha cây ăn quả. Trong đó, chủ đạo là xoài 8.400ha, có 3.500ha cho thu hoạch, sản lượng 40.000 tấn/năm; sầu riêng 1.800ha, có 600ha cho thu hoạch với sản lượng 6.000 tấn/năm; bưởi da xanh 1.450ha, có khoảng 500ha cho thu hoạch, sản lượng 4.000 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ trái cây của tỉnh phụ thuộc phần lớn vào thị trường nội địa; việc xuất khẩu còn hạn hẹp, chủ yếu xuất đi Trung Quốc. Trên địa bàn tỉnh chưa có các nhà máy chế biến nông sản thành các sản phẩm nước ép, đóng hộp, sấy khô, tách múi đông lạnh xuất khẩu; công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây còn hạn chế, chưa đáp ứng vận chuyển đi xa và xuất khẩu…

 

Xoài Úc và bưởi được bày bán tại siêu thị Co.opmart Nha Trang.

Xoài Úc và bưởi được bày bán tại siêu thị Co.opmart Nha Trang.


Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, trong đó xoài Úc và bưởi da xanh vào chính vụ thu hoạch, người dân phải bán tháo với giá rất thấp. Ông Lý Việt Trung - Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cam Lâm cho biết, trên địa bàn huyện có 50 vựa thu mua xoài. Vào thời điểm cuối tháng 4 (đầu vụ xoài Úc), xoài Úc có giá 60.000 đồng/kg nhưng đến tháng 5 chỉ còn 10.000 - 20.000 đồng/kg, nếu mua ngang cả vườn chỉ còn 4.000 đồng/kg. Giá xoài rẻ, trong khi giá vận chuyển và công thu hoạch cao, thậm chí thu hoạch xong không có người mua nên nhiều hộ để xoài chín rụng đầy gốc. Thời điểm này, xoài Úc đã vào cuối vụ nên sản lượng không còn nhiều. Do đó, huyện kiến nghị các sở, ngành liên quan sớm làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng sản phẩm vào chính vụ không có người mua. Về lâu dài, huyện kiến nghị UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư, lắp đặt dây chuyền sản xuất, chế biến xoài nhằm giảm áp lực đầu ra và gia tăng giá trị quả xoài.


Bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, qua làm việc với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, khó khăn lớn nhất trong việc tìm đầu ra cho nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay là người dân trồng theo kiểu tự phát, việc quy hoạch đánh số mã vùng Khánh Hòa chưa thực hiện. Trong khi muốn xuất khẩu nông sản, hồ sơ yêu cầu phải có mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, thời gian qua, một số siêu thị trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp thu mua nông sản cho người dân nhưng khi họ cần ký giấy xác nhận về vùng trồng thì người dân không phối hợp. Đây là một trong những khó khăn đối với việc xác định nguồn gốc xuất xứ nông sản để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.


Tìm các kênh tiêu thụ


Theo ông Võ Đình Dũng - Giám đốc siêu thị Co.opmart Nha Trang, vừa qua, hệ thống siêu thị Co.opmart đã tiêu thụ được 17 tấn xoài Úc cho người dân trên địa bàn tỉnh; trong đó Co.opmart Nha Trang tiêu thụ 7 tấn, Co.opmart TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ 10 tấn. Ngoài ra, siêu thị cũng hỗ trợ tiêu thụ được hơn 27 tấn bưởi da xanh Khánh Vĩnh. Thời gian tới, để việc thu mua nông sản của người dân được thuận lợi, Co.opmart Nha Trang kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp số điện thoại, địa chỉ những nhà vườn lớn, hợp tác xã, vựa thu mua trái cây, những hộ nông dân được chứng nhận VietGAP để đơn vị tiện liên lạc. Đơn vị cam kết, trong năm nay sẽ trực tiếp làm việc, ký hợp đồng với một số nhà vườn, hợp tác xã hoặc vựa thu mua nhằm đưa nông sản của người dân vào bán tại hệ thống siêu thị nhiều hơn. Bên cạnh đó, TP. Nha Trang đã có chủ trương bố trí mặt bằng khu vực phía trước chợ Vĩnh Hải để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương có nhu cầu về mặt bằng bán sản phẩm, liên hệ thành phố để được tạo điều kiện bố trí.


Ông Lê Quốc Toàn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, hội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đối với sản phẩm bưởi da xanh, hội đã bố trí 2 điểm bán tại Nha Trang, trong 3 ngày bán được hơn 30 tấn. Đối với việc tiêu thụ xoài, sau khi nhận được văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa kết nối với một số doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh thu mua khoảng 100 tấn/tuần. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, số lượng xoài Úc loại 1 của Cam Lâm không đủ đáp ứng đơn hàng lớn. Vì vậy, hội đã liên hệ với các đơn vị nhỏ lẻ tiêu thụ được 8 tấn cho người dân. Hiện nay, hội tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để tiêu thụ những nông sản khác cho nông dân. Ngoài ra, hội phối hợp với Viettel Post (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel thuộc Tập đoàn Viettel) đưa được 3 sản phẩm tỏi, bưởi da xanh và xoài lên sàn giao dịch thương mại điện tử voso.vn. Thời gian tới, hội sẽ phối hợp tập huấn cho nông dân phương thức bán hàng và quảng cáo sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử; kiến nghị giảm 50% phí ship đối với nông sản Khánh Hòa cho người tiêu dùng… Về lâu dài, hội kiến nghị các sở, ban, ngành cần xây chuỗi tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp tham gia làm đầu mối để nắm bắt thông tin thị trường, hướng dẫn nông dân sản xuất sản phẩm đáp ứng thị trường, đầu ra ổn định hơn. Ngoài ra, hội kiến nghị ngành Giao thông vận tải, Công an tạo điều kiện thuận lợi cho các xe hàng vận chuyển nông sản trong tình hình dịch Covid-19.


Bà Nguyễn Thị Thu Cúc đề nghị, các địa phương cần sớm cập nhật thông tin cụ thể về các loại nông sản, sản lượng, mùa vụ thu hoạch… cho các sở, ngành, liên quan trước khi thu hoạch ít nhất 2 - 3 tháng để có cơ sở làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị có kế hoạch thu mua cho người dân, tránh tình trạng đến khi thu hoạch thừa, ứ đọng nông sản mới tìm giải pháp hỗ trợ. Sở Công Thương sẽ báo cáo Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh tại các siêu thị trên toàn quốc; báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng trồng, đánh số mã vùng để tạo điều kiện xuất khẩu; các hộ nông dân, UBND các xã, phường, thị trấn cần phối hợp tốt để hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm khi các siêu thị thu mua nông sản…


KHÁNH HÀ