11:03, 15/03/2021

Nuôi cá chẽm theo hướng công nghiệp trên biển: Hiệu quả cao

Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, nhưng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Australis Việt Nam do ông Josh Goldman (58 tuổi, người Mỹ) làm chủ với nghề nuôi cá chẽm trên biển vẫn đạt doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 30% trong năm 2020.

Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, nhưng Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam do ông Josh Goldman (58 tuổi, người Mỹ) làm chủ với nghề nuôi cá chẽm trên biển vẫn đạt doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 30% trong năm 2020.


Ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại


Ông Josh Goldman đến Khánh Hòa năm 2007. Sau khi bỏ ra nhiều công sức nuôi thử nghiệm hơn 30 loại cá, cuối cùng, ông chọn nuôi cá chẽm tại vùng biển Vân Phong. Lý giải về lựa chọn này, ông Josh Goldman cho biết: “Có nhiều loại thủy sản nuôi trồng ở Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, trong đó cá chẽm và cá ba sa được ưa chuộng hơn cả. Do thịt cá chẽm nuôi ở vùng biển Việt Nam ngon hơn và giá trị xuất khẩu cũng cao hơn nên chúng tôi chọn nuôi cá chẽm”. Vùng biển Vân Phong lại hội đủ điều kiện thích hợp nuôi cá chẽm vì nằm sâu trong vịnh, kín gió; nhiệt độ nước biển có thể nuôi quanh năm, bảo đảm doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu ổn định.  

 

Thu hoạch cá chẽm.

Thu hoạch cá chẽm.


Theo dõi cá ăn qua hệ thống camera, kỹ sư Phạm Hoàng Long cho biết: “Từ lúc cho cá bố mẹ đẻ trứng, ấp nở đến khi đưa vào lồng nuôi khoảng trên dưới 2kg mới thu hoạch. Quá trình này khoảng 20 tháng. Qua hệ thống cho cá ăn tự động, các kỹ sư biết chính xác thời gian, liều lượng, sức khỏe và các thông số kỹ thuật cần thiết khác về cá”. Gắn bó với công ty gần 10 năm, ông Hoàng Ngọc Bình - Giám đốc điều hành khu lồng bè nuôi cá tại vùng biển Vân Phong cho biết: “Mỗi lồng nuôi có chu vi khoảng 120m, số lượng cá ở thời điểm xuất gần 300 tấn. Hệ thống lồng nuôi này được chia ra từng trại, mỗi trại có 14 lồng. Đến thời điểm này, công ty có 5 trại (70 lồng nuôi) cá chẽm. Các trại nuôi cá biển của công ty quy mô, hiện đại, áp dụng hệ thống cho cá ăn tự động, mô hình camera robot để quan sát cá dưới nước đồng thời quản lý việc cho ăn chính xác, bảo đảm vệ sinh môi trường biển”.


Vượt qua đại dịch Covid - 19


Ông Josh Goldman cho biết, năm 2008, công ty chỉ thu hoạch được 30 tấn cá; đến năm 2020, sản lượng cá đã đạt 6.500 tấn. Để xuất khẩu 6.500 tấn cá chẽm sang Mỹ và một số nước khác như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành là sự thành công vượt bậc của công ty. Khi dịch bùng phát tại Mỹ - thị trường xuất khẩu cá chẽm lớn nhất của công ty, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh. Thay vì bán hàng cho các siêu thị, nhà hàng lớn, công ty chuyển sang bán qua các doanh nghiệp giao hàng thực phẩm và bữa ăn tại nhà lớn của Mỹ. Bằng cách làm này, năm 2020, doanh thu của công ty đã tăng hơn 30% so với năm 2019. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả giúp công ty bảo đảm việc làm cho 800 lao động với mức lương bình quân 10 triệu người/tháng.


Trong 4 năm qua, công ty đã phát triển quy mô gấp 3 lần, trở thành công ty nuôi cá chẽm tầm cỡ thế giới và công ty xuất khẩu cá biển lớn của Việt Nam. Đến nay, tổng vốn đầu tư của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã đạt 50 triệu USD. Đặc biệt, trong năm 2021, công ty sẽ xây dựng thêm một cơ sở chế biến nữa tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa; qua đó, phấn đấu xuất khẩu khoảng 8.000 tấn cá chẽm.


Ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới và thứ 2 ở khu vực châu Á về sản lượng xuất khẩu mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản đánh bắt từ tự nhiên đang giảm sút nên việc Công ty TNHH Australis Việt Nam xây dựng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững trên biển theo công nghệ Na Uy cần được khuyến khích”.


CÔNG THI