11:08, 10/08/2020

Tiếp sức cho doanh nghiệp nông thôn

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch khuyến công năm 2020. Với nguồn kinh phí này, các doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch khuyến công năm 2020. Với nguồn kinh phí này, các doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.


Tập trung ứng dụng thiết bị tiên tiến


Chương trình khuyến công được UBND tỉnh phê duyệt có tổng kinh phí hơn 1,85 tỷ đồng. Trong đó, gần 1,7 tỷ đồng dùng để hỗ trợ 12 DN. Khác với những năm trước, năm nay, gần như toàn bộ kinh phí được tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. 12 đề án khuyến công được chia đều cho các huyện, thị xã và dàn trải trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, gắn với đặc thù của các địa phương. Trong số đó, có 2 đề án được nhận mức hỗ trợ cao hơn là Đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất than không khói của Công ty TNHH Nông sản xanh Ninh Hòa (xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa) và Đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến bảo quản xoài sau thu hoạch của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khánh Hòa Phát (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm). Đây là những đề án được đánh giá cao trong vấn đề bảo vệ môi trường và tạo sự phát triển lâu dài cho khu vực nông thôn. 2 đề án này được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 530 triệu đồng. Cùng với đó, Công ty TNHH Nông sản xanh Ninh Hòa đầu tư thêm gần 1,7 tỷ đồng và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khánh Hòa Phát đầu tư thêm 2,7 tỷ đồng để hoàn thiện đề án.

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt.


Lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thực phẩm và đồ gỗ cũng được quan tâm đầu tư. Kế hoạch khuyến công dành gần 650 triệu đồng để hỗ trợ các dây chuyền sản xuất của 6 DN ở Cam Lâm, Vạn Ninh, Cam Ranh, Diên Khánh và Nha Trang. Các mặt hàng như: Chả cá, nước giải khát dinh dưỡng, xoài… được đầu tư bài bản để tạo tiền đề vững chắc, giúp các DN mở rộng thị trường, tăng tính cạnh trạnh với sản phẩm cùng loại.


Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, những năm gần đây, các đề án khuyến công của tỉnh đang phát huy được tính khả dụng. Bước đầu cho thấy, các trợ lực này thực sự mang lại hiệu quả trong thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Tuy nguồn kinh phí hỗ trợ không quá lớn so với tổng mức đầu tư nhưng đã giúp các DN mua sắm thêm máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của DN, giúp DN công nghiệp nông thôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.


Trợ lực trong bối cảnh dịch bệnh


Theo đánh giá của Sở Công Thương, thời gian qua, đã có nhiều đề án khuyến công hỗ trợ cho các DN, cơ sở sản xuất với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Hoạt động khuyến công cơ bản đã bám sát mục tiêu, kế hoạch chương trình khuyến công từng giai đoạn; nội dung hoạt động cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn và được đánh giá cao. Nhiều hoạt động tiêu biểu như: Đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của DN, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm… Các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, trong kế hoạch khuyến công năm 2020, các DN được chọn đều có tiềm lực, đủ năng lực tài chính. Khi kế hoạch được phê duyệt, DN thụ hưởng chính sách có ngay ngân sách đối ứng để thực hiện.


Ông Cáp Văn Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt (Cụm Công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh) cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều DN vừa và nhỏ ở nông thôn có cơ hội để thay đổi dây chuyền sản xuất, đầu tư thêm máy móc nhằm cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, các hội thảo, khóa tập huấn ngắn hạn cũng đã giúp DN hoạch định, tạo hướng đi lâu dài cho sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh các DN bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nguồn hỗ trợ từ kinh  phí khuyến công chính là trợ lực lớn để các đơn vị có thể vượt qua khó khăn trước mắt”.


Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, nguồn kinh phí khuyến công hiện nay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các DN, còn rất nhiều đơn vị mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình, nhưng vì số vốn có hạn nên việc lựa chọn các đơn vị để hỗ trợ phải xem xét kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh. Đặc biệt, hoạt động khuyến công vẫn chưa thể huy động được nguồn tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

 
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục có những chính sách kịp thời để hỗ trợ các DN nông thôn một cách hiệu quả và thiết thực hơn. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị cũng cần có sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng được xu thế của thị trường và nền kinh tế hội nhập”.


Đình Lâm