11:08, 05/08/2020

Khánh Sơn: Nhiều đề án phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện Khánh Sơn cũng đưa ra những đề án riêng nhằm góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế để thay đổi diện mạo của địa phương.

Bên cạnh việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện Khánh Sơn cũng đưa ra những đề án riêng nhằm góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế để thay đổi diện mạo của địa phương.


Những đề án chiến lược


Nhiệm kỳ qua, huyện Khánh Sơn đã triển khai các đề án phát triển kinh tế riêng gồm: Khoanh nuôi và phát triển cây lồ ô; phát triển cây ăn quả; chương trình phát triển du lịch. “Việc đưa ra những đề án, chương trình này dựa trên đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tiềm năng của huyện. Thông qua việc tập trung đầu tư các đề án này, chúng tôi mong muốn sẽ định hướng phát triển cho người dân trên chính mảnh đất của mình”, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho biết.

 

Thác Tà Gụ - điểm du lịch nổi tiếng huyện Khánh Sơn.

Thác Tà Gụ - điểm du lịch nổi tiếng huyện Khánh Sơn.


Dù kết quả thực hiện các đề án, chương trình nói trên còn có những điểm chưa như kỳ vọng nhưng đã tạo dựng được niềm tin để có kế hoạch cho thời gian tới. Cụ thể, đối với đề án khoanh nuôi và phát triển cây lồ ô, huyện đã tiến hành khảo sát, khoanh vùng để bảo vệ cây lồ ô phục vụ việc phát triển đề án. Đề án phát triển cây ăn quả đã mang lại lợi ích kinh tế rõ nét cho người dân. Đến cuối năm 2019, huyện hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng cho 549 hộ tham gia đề án trên diện tích 153,43ha trồng chôm chôm, bưởi da xanh. “Những năm qua, địa phương đã tích cực triển khai đề án phát triển cây quả của huyện. Qua các năm, huyện hỗ trợ chuyển đổi được 80,13ha và hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới nước. Qua đó đã giúp các hộ thực hiện đề án có điều kiện đầu tư tốt cho mô hình”, ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết.


Thực hiện chương trình phát triển du lịch, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu như: Điểm dừng chân đỉnh đèo; đường vào khu sinh thái thác Tà Gụ; thành lập đội mã la, đội văn nghệ; tái hiện các phong tục tập quán tốt của người dân địa phương... để phục vụ du khách. Công tác quảng bá, giới thiệu về địa phương được quan tâm. Huyện đã kêu gọi đầu tư vào các địa điểm có tiềm năng du lịch như: Đồi thông (xã Sơn Bình), khu sinh thái thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp). Đặc biệt năm 2019, lần đầu tiên huyện tổ chức lễ hội trái cây đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến địa phương. “Xã Sơn Hiệp đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm tạo sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan. Lượng khách đến các địa điểm du lịch trên địa bàn xã trong 3 năm gần đây tăng đáng kể so với trước. Năm 2019, xã đã đón 3.500 lượt khách, trong đó có 300 lượt khách quốc tế đến tham quan”, ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết.


Tiếp tục thực hiện


Bước vào giai đoạn mới, huyện tiếp tục đưa ra những đề án vừa mang tính kế thừa, vừa thể hiện yếu tố mới. Các đề án, chương trình sẽ được địa phương triển khai gồm: Chương trình phát triển du lịch; đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp; đề án bảo tồn, phục dựng, chế tác đàn đá. Với chương trình phát triển du lịch, huyện sẽ tăng cường thực hiện công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để phát triển du lịch.


Với đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và triển khai thực hiện; làm tốt công tác quy hoạch đất giai đoạn 2020 - 2030, xác định cụ thể diện tích chuyển đổi và quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn quả để đầu tư cơ sở hạ tầng thích hợp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng; hướng dẫn người dân đầu tư chăm sóc cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia chương trình OCOP gắn với đầu ra sản phẩm nông nghiệp.


Đặc biệt, huyện quyết tâm khôi phục di sản đàn đá Khánh Sơn. Thông qua đề án bảo tồn, phục dựng, chế tác đàn đá Khánh Sơn, địa phương mong muốn nâng tầm loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Raglai. Đây là điều cần thiết nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc. Theo kế hoạch, huyện sẽ mời các nghệ nhân, chuyên gia, nhạc sĩ tham gia chế tác đàn đá, hướng tới tổ chức Festival đàn đá ngay tại Khánh Sơn trong thời gian tới.


Giang Đình