09:08, 30/08/2020

Cam Ranh: Người nuôi gà gặp khó

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi gà trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn; tiêu thụ chậm, giá gà giảm khiến người dân khó quay vòng vốn, nhiều người đã phải tạm dừng nuôi tái đàn.

 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi gà trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn; tiêu thụ chậm, giá gà giảm khiến người dân khó quay vòng vốn, nhiều người đã phải tạm dừng nuôi tái đàn.


Trang trại gà của bà Lê Thị Thanh Thu ở phường Ba Ngòi có quy mô chăn nuôi mỗi lứa từ 1.000 đến 1.500 con. Đây là trang trại lớn và duy nhất trên địa bàn thành phố đang nuôi giống gà ri Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) - giống gà được xếp vào hàng quý hiếm. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc tiêu thụ gà của trang trại gặp nhiều khó khăn. Bà Thu cho biết, lâu nay, phần lớn lượng gà thịt đều được tiêu thụ chủ yếu qua kênh nhà hàng, khách sạn, phục vụ đám tiệc. Từ sau thông báo tạm dừng các hoạt động tập trung đông người như du lịch, lễ hội và cưới hỏi thì lượng gà tiêu thụ giảm mạnh. Trước đây, mỗi lứa gà khoảng 1.000 con chỉ bán trong vòng 1 tháng, còn hiện nay, phải kéo dài gần 2 tháng. Không chỉ vậy, giá bán giảm còn 100.000 đồng/kg, trong khi nguyên liệu thức ăn đầu vào không giảm, khiến cho việc chăn nuôi càng gặp khó.

 

Ông Nguyễn Ngọc Trung chăm sóc đàn gà của gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Trung chăm sóc đàn gà của gia đình.

 
Lúc trước, trang trại nuôi giống gà Minh Dư (tỉnh Bình Định) của ông Nguyễn Ngọc Trung, tổ dân phố Nghĩa Quý, phường Cam Nghĩa cũng bán từ 1.000 đến 1.200 con trong thời gian chưa tới 1 tháng. Còn hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mỗi lứa gà phải nuôi kéo dài thêm cả tháng, đội chi phí lên cao. Dù là giống gà phổ biến, có giá thấp hơn gà ri Lạc Thủy, nhưng việc tiêu thụ vẫn chậm. Ông Trung cho biết, tình hình chung năm nay khó khăn hơn mấy năm trước, giá gà thị trường những ngày này chỉ từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 đến 15.000 đồng/kg…


Việc tiêu thụ gà thịt gặp khó, việc tiêu thụ trứng gà cũng bị ảnh hưởng không kém. Bà Tư Thị Còn (thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông) - chủ trang trại nuôi hơn 12.000 con gà đẻ trứng cho hay: “Trước đây không có dịch Covid-19, việc buôn bán của tôi rất ổn, 5.000 - 7.000 trứng chỉ bán mấy ngày là hết vì có mối hợp đồng đầu ra. Hiện nay ảnh hưởng dịch bệnh, các quán ăn, nhà hàng tiêu thụ trứng chậm nên bán cũng chậm, giá cả cũng thấp hơn. Ngày trước giá cao nhất 20.000 đồng/10 quả, còn hiện nay chỉ 12.000 - 13.000 đồng/10 quả”.


Theo những người nuôi gà, mỗi lứa gà thịt nuôi khoảng 3 tháng. Thời điểm gà xuất chuồng sẽ có trọng lượng khoảng 1,5 - 2kg/con, nếu nuôi kéo dài thì trọng lượng tăng thêm không đáng kể, nhưng giai đoạn trưởng thành này gà ăn rất nhiều, chi phí rất tốn kém. Bình quân 1 tháng, 1.000 con gà trưởng thành sẽ ăn 60 bao cám với giá khoảng 250.000 đồng/bao. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mỗi lứa gà phải nuôi kéo dài dẫn đến đội chi phí lên cao. Trong tình hình sức tiêu thụ chậm như hiện nay, nhiều hộ nuôi gà đang tìm mọi cách để thay đổi khẩu phần ăn, không cho ăn thức ăn tổng hợp mà thay thế bằng các loại rau, củ…, cố gắng tìm thêm nhiều kênh tiêu thụ như rao bán trên facebook, zalo… Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, nhiều hộ đã lựa chọn giảm đàn, không nuôi tái đàn, dù hiện nay giá con giống đang rất rẻ, giảm 1/2 so với trước đây. Bà Thu cho biết: “Tôi dừng nuôi, không tiếp tục phát triển mô hình trong vòng 3 tháng, vì nếu nuôi sẽ chịu lỗ rất nhiều, không gồng gánh nổi…”.


Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Ranh, tổng đàn gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có gần 90.000 con. Trong đó, đàn gà chiếm số lượng lớn với hơn 70.000 con, được nuôi ở tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố. Chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, suốt mấy tháng qua, người nuôi gà đứng ngồi không yên vì giá bán sụt giảm, mà việc tiêu thụ vẫn khá ì ạch, bên cạnh đó còn mối lo nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi mùa mưa đang tới gần. Ông Nguyễn Dự - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Ranh cho biết: “Ngoài những bất lợi về giá cả và thị trường, hiện nay, sắp đến mùa mưa, diễn biến thời tiết bất thường nên các bệnh đặc biệt là bệnh cúm A H5N1, H5N6 rất dễ xảy ra, vì vậy, người dân cần chú ý phòng dịch và vệ sinh tiêu độc chuồng trại để không xảy ra dịch bệnh gây thêm thiệt hại”.


Lê Ngân