10:05, 31/05/2020

Chờ vốn đầu tư công từ Trung ương

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn cho các dự án, chương trình đầu tư công từ Trung ương. Việc bố trí vốn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn cho các dự án, chương trình đầu tư công từ Trung ương. Việc bố trí vốn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19.


Nhiều dự án còn thiếu vốn


Theo UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án, chương trình thuộc trách nhiệm ngân sách Trung ương (giai đoạn 2016 - 2020) đang trong quá trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ bố trí vốn còn thiếu hơn 436 tỷ đồng. Trong đó, có 8 dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội thiếu hơn 150 tỷ đồng; 1 dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững thiếu 23,65 tỷ đồng; 2 dự án thuộc Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư thiếu gần 39 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 4 dự án thuộc Chương trình đầu tư hạ tầng kinh tế ven biển, kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ còn hơn 80 tỷ đồng chưa được Chính phủ bố trí vốn. Các dự án liên quan đến giáo dục, y tế, chống hạn thiếu gần 53 tỷ đồng. Đáng chú ý, Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn thiếu hơn 90 tỷ đồng.

 

Công trình Kè bờ biển thị trấn Vạn Giã.

Công trình Kè bờ biển thị trấn Vạn Giã.


Ngoài ra, dự án Đường cất hạ cánh số 2 của sân bay Cam Ranh, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ vốn bằng 50% tổng mức đầu tư dự án, song đến nay, ngân sách Trung ương mới bố trí được 550 tỷ đồng/967,981 tỷ đồng. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ 418 tỷ đồng còn thiếu để tỉnh tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án trong năm 2020.


Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngoài những dự án, chương trình kể trên, dự án Cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn Khánh Hòa (giai đoạn 1) được Trung ương hỗ trợ 151,2 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn 70,2 tỷ đồng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển về. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020 nhưng nếu vốn không bố trí kịp thời sẽ rất khó khăn. Theo ông Nam, UBND tỉnh còn kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng như: đường giao thông ven biển, đê kè phòng, chống ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm…


Đẩy mạnh đầu tư công

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích cầu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2020, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa, xác minh nguồn gốc sử dụng đất, xác định giá đất bồi thường để trình UBND tỉnh phê duyệt; UBND cấp huyện phải nhanh chóng phê duyệt phương án và chi trả chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành liên quan sớm ban hành đơn giá ca máy, đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho các đơn vị hoàn thiện thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế và dự toán công trình để triển khai thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn trong năm 2020. UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc bồi thường giải tỏa, thủ tục đầu tư. Một số dự án khởi công mới sử dụng nguồn dự phòng chung và khoản 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, làm cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2020 theo quy định. Song song đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu, rà soát, giảm kế hoạch vốn các dự án bị vướng bồi thường giải tỏa và thủ tục đầu tư; kịp thời bổ sung vốn cho dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2019 còn thiếu vốn. Đối với các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2020 cũng được tỉnh bổ sung vốn trong thời gian sớm nhất. Trong năm nay, UBND tỉnh phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Được biết, ngoài việc kiến nghị Chính phủ bố trí vốn và đưa ra các giải pháp đẩy mạnh đầu tư công, UBND tỉnh còn kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép không thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo quy định đối với dự án Kè bờ biển thị trấn Vạn Giã (giai đoạn 1) và dự án Kè Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đưa dự án vào sử dụng trong giai đoạn 2016 - 2020 đối với các dự án: Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh (giai đoạn 2); Thoát lũ sông Tân Lâm (giai đoạn 2); Kè chống sạt lở bờ bắc thị trấn Diên Khánh..., UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cho phép không thực hiện tiết kiệm 10%.


Đình Lâm