10:08, 04/08/2019

Chuyển đổi cây trồng ở Khánh Sơn: Từng bước có hiệu quả

Từ năm 2017 đến nay, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tập trung chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn người dân thực hiện việc chuyển đổi cây trồng cho năng suất, thu nhập kém sang những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và bước đầu đã đem lại hiệu quả.

 

Từ năm 2017 đến nay, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tập trung chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn người dân thực hiện việc chuyển đổi cây trồng cho năng suất, thu nhập kém sang những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và bước đầu đã đem lại hiệu quả.


Đã chuyển đổi hơn 754ha


Gia đình ông Cao Văn Xiếng (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) có 3 sào ruộng lúa nước cho năng suất thấp. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông đã vay vốn để chuyển đổi sang trồng cây mía tím. Ngay vụ đầu tiên, 3 sào mía tím của gia đình cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Nhờ đó, ông có thêm kinh phí để đầu tư trồng những diện tích mía tím khác. Từ nguồn thu này, qua 3 năm, gia đình ông Xiếng đã thoát khỏi hộ nghèo.

 

Người dân thu hoạch mía tím.

Người dân thu hoạch mía tím.


Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, từ năm 2017 đến nay, xã Sơn Hiệp đã chuyển đổi sang trồng được 5ha chôm chôm, 116ha sầu riêng, 16ha mía tím. Các diện tích chuyển đổi đều mang đến tín hiệu tích cực đối với nông dân. “Để người dân hiểu và thực hiện theo chủ trương, chúng tôi đã đến từng hộ có diện tích đất cần chuyển đổi để tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân về vốn, giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đến nay, nhìn chung những gia đình thực hiện việc chuyển đổi cây trồng đều đồng thuận, một số hộ đã có kết quả thiết thực”, ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết.


Để bắt tay thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, huyện đã triển khai hướng dẫn chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn đến các hộ. Cùng với đó, công khai đối tượng, hình thức, định mức, danh mục hỗ trợ. Các xã, thị trấn phối hợp với các ngành xây dựng phương án phát triển sản xuất trên cơ sở phát huy thế mạnh về đất, nguồn lao động và những loại cây trồng chủ lực của địa phương.


Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện đồng thời với việc tiếp nhận và phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập và làm theo. Sau khi triển khai thì tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả về mục đích sử dụng nguồn vốn, hiệu quả đầu tư”. Sau gần 3 năm thực hiện, diện tích cây trồng được chuyển đổi trên địa bàn huyện là 754,58ha, còn 142,35ha đang triển khai thực hiện; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông thôn hơn 68,1 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là nguồn vốn của người dân; có tổng số 1.451 hộ tham gia chuyển đổi cây trồng. Các diện tích đất được chuyển đổi sang trồng những loại cây cho thu nhập, hiệu quả kinh tế cao như: bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, mía tím. Trong đó, diện tích cây sầu riêng chiếm số lượng lớn nhất với 548,53ha.


Tiếp tục triển khai


Việc chuyển đổi cây trồng là một chủ trương lớn của huyện Khánh Sơn, chính vì thế, ngay từ khi bắt tay thực hiện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và sự hướng dẫn chuyên môn trong kỹ thuật canh tác. Người dân tham gia chủ trương này cũng chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các hộ đã thành công, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, người dân cũng gặp những khó khăn về nguồn vốn đối ứng để phát triển sản xuất. Hiện nay, có nhiều diện tích chưa chuyển đổi được do đây là đất của các hộ nghèo, hộ cận nghèo không có vốn đối ứng.


“Để tiếp tục triển khai chương trình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ vận động, phổ biến một cách sâu rộng các chính sách hỗ trợ để người dân nắm bắt kịp thời. Hiện tại, diện tích canh tác của huyện rất ít so với dân số. Vì vậy, địa phương sẽ kiến nghị với tỉnh nên chuyển quy hoạch diện tích đất rừng sản xuất đối với một số hộ đã tự chuyển đổi cây trồng ăn quả để người dân được canh tác theo đúng quy hoạch”, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện cho biết.


Phát triển vùng chuyên canh trồng cây ăn quả là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, cùng cách thức thực hiện bài bản đang mang đến những thành quả bước đầu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Khánh Sơn.


Giang Đình - Bích La