10:06, 03/06/2019

Khai thác thủy sản bất hợp pháp đã giảm

Để góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện hoạt động nghề cấm, vi phạm vùng cấm. Nhờ đó, tình trạng khai thác thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt đã giảm rõ rệt.

Để góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện hoạt động nghề cấm, vi phạm vùng cấm. Nhờ đó, tình trạng khai thác thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt đã giảm rõ rệt.


Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 9.808 tàu cá, với tổng công suất 653.687CV;  trong số đó chỉ có 1.330 tàu khai thác xa bờ, còn lại khoảng 5.500 tàu cá công suất nhỏ, thường xuyên hoạt động ở khu vực gần bờ.

 

Để góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện hoạt động nghề cấm, vi phạm vùng cấm. Nhờ đó, tình trạng khai thác thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt đã giảm rõ rệt.

Một tàu cá hoạt động nghề cấm bị phát hiện, xử lý.


Một trong những vấn đề nhức nhối thời gian qua là tình trạng khai thác bằng các phương tiện hủy diệt tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh. Ngư dân Phan Thanh Long (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) cho biết, mong muốn của ngư dân hoạt động các nghề lưới ven bờ là không còn nạn giã cào, bởi các tàu này hoạt động theo kiểu tận diệt nên nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt nhanh chóng. Thời gian gần đây, nhờ các lực lượng chức năng như: thanh tra thủy sản, bộ đội biên phòng thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát nên tình trạng tàu giã cào hoạt động trên vịnh Vân Phong đã giảm.


Ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) chia sẻ, trước đây, trên địa bàn xã có nhiều ghe, thuyền khai thác thủy sản ven bờ theo kiểu tận diệt. Khoảng năm 2016, chỉ tính riêng thôn Ngọc Diêm có đến 20 phương tiện chuyên nghề lờ dây, 30 ghe máy hoạt động cào sò hoạt động trong khu vực đầm Nha Phu. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền và hoạt động tuần tra, kiểm soát chặt của lực lượng chức năng, đến nay, các ghe, thuyền hoạt động nghề cấm, vi phạm vùng cấm trên địa bàn đã giảm hẳn, riêng ghe máy cào sò không còn chiếc nào hoạt động.


Được biết, năm 2018, công tác tuần tra trên biển đã được lực lượng chức năng (như: thanh tra thủy sản, kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát đường thủy) và các địa phương đẩy mạnh. Các lực lượng đã tiến hành 599 đợt tuần tra, kiểm tra trên biển, kiểm tra hành chính 1.529 phương tiện, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 51 phương tiện, thu giữ 61 giã cào tuýp, lồng cào sò, lưới giã cào, 12 súng bắn điện, bộ kích điện và dây; xử phạt các đối tượng vi phạm hơn 110 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, việc tuần tra, kiểm soát trên biển tiếp tục được lực lượng chức năng địa phương đẩy mạnh. Đến nay, các lực lượng đã tổ chức 208 đợt tuần tra, tiến hành kiểm tra hành chính 348 phương tiện tàu cá; qua đó phát hiện, xử phạt 19 phương tiện vi phạm với số tiền 51 triệu đồng, thu giữ 14 giã cào tuýp, cào sò…


Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về tác hại của việc khai thác theo kiểu tận diệt và tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đến nay, tình trạng khai thác thủy sản bằng các hình thức hủy diệt trên địa bàn tỉnh đã giảm. Các vùng biển gần bờ trước đây vốn khá nóng về nạn khai thác thủy sản tận diệt như: đầm Nha Phu, vịnh Cam Ranh, đầm Thủy Triều, vịnh Vân Phong nay đã bình yên trở lại. Theo nhận định của lực lượng thanh tra chuyên ngành, các nghề cấm như: cào sò, giã cào, kích điện đã giảm khoảng 80% so với năm 2017; riêng khai thác thủy sản bằng chất độc, chất nổ từ đầu năm 2018 đến nay chưa phát hiện trường hợp nào.


Theo ông Trần Văn Cao - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Thủy sản), từ ngày 5-7 tới, Nghị định 42 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ có hiệu lực. Nghị định này quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm đối với hoạt động nghề cấm, vùng cấm cao hơn nhiều so với các quy định trước đây. Ví dụ, đối với khai thác thủy sản gần bờ, trước đây trường hợp tàu cá công suất dưới 20CV vi phạm vùng cấm chỉ xử phạt vi phạm hành chính ở mức 2 triệu đồng, nhưng sắp tới hành vi này sẽ bị xử phạt đến 25 triệu đồng, tịch thu ngư cụ. Trong thời gian tới, ngành Thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến các quy định mới trong lĩnh vực khai thác thủy sản đến cộng đồng ngư dân. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển, nhất là hoạt động của các nghề cấm, vùng cấm.


HẢI LĂNG