12:05, 31/05/2018

Phường Ninh Giang: Cần vốn để phát triển làng nghề

Phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang rất cần vốn để phát triển 2 làng nghề truyền thống đã được công nhận gồm: đá mỹ nghệ và trồng hoa cúc.

 

Phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang rất cần vốn để phát triển 2 làng nghề truyền thống đã được công nhận gồm: đá mỹ nghệ và trồng hoa cúc.


 Ông Huỳnh Chiếm Đạt - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Giang cho biết, 2 làng nghề truyền thống của phường đã được UBND tỉnh công nhận từ năm 2017. Các làng nghề đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của phường cũng như thị xã. Doanh thu năm 2017 của làng hoa cúc đạt 11 tỷ đồng, sản phẩm xuất sang cả Campuchia. Làng đá mỹ nghệ có mẫu mã đa dạng, phong phú, 2 năm 2016, 2017 được tỉnh bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với làng hoa cúc là chưa chủ động được nguồn giống, cần xây dựng vườn ươm và cải tạo mặt bằng; làng đá còn nhiều hạn chế bởi phải mua vật liệu, sử dụng vườn nhà chật hẹp gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, cần mặt bằng trưng bày sản phẩm, tuyên truyền quảng bá gắn với phát triển du lịch.

 

Ông Lê Song - Tổ trưởng Tổ Hợp tác đá mỹ nghệ Ninh Giang cho biết, làng đá có thể sản xuất đa dạng sản phẩm truyền thống cũng như mỹ nghệ như: cối đá, tượng đá, bia đá, đèn đá, lavabo… Nhờ anh em chịu khó học hỏi, giao lưu với các làng nghề bạn nên tay nghề ngày càng vững vàng, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sản phẩm đá tiêu thụ chậm, nguyên liệu đắt, phải mua nơi khác; mặt bằng nhỏ hẹp, khó lắp ráp máy móc, thiết bị khiến hao phí nguyên liệu tăng cao…

 

Làng đá mỹ nghệ Ninh Giang khởi sắc với những sản phẩm đa dạng.

Làng đá mỹ nghệ Ninh Giang khởi sắc với những sản phẩm đa dạng.

 

Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hiện nay, nguồn phân bổ ngân sách của tỉnh rất hạn chế nhưng nhu cầu đều rất lớn. Nhiều kế hoạch kinh phí đã duyệt nhưng chưa thực hiện được, kinh phí năm 2018 cũng không còn. Tỉnh sẽ kiểm tra lại nhu cầu vốn của các địa phương, bên cạnh đó các địa phương cũng phải cùng gánh vác trách nhiệm với tỉnh. Nếu Ninh Hòa thực hiện tốt vấn đề này thì tỉnh sẽ xem xét.

Thời điểm này, làng nghề hoa cúc Ninh Giang cũng đang khởi động cho vụ hoa Tết mới. Ông Trần Minh Tự - Tổ trưởng Tổ Hợp tác trồng hoa cúc Ninh Giang cho biết, hiện nay, người dân đã xuống giống và nhân giống cho vụ hoa. Thời gian trước, người dân lấy giống tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, nhưng 2 năm gần đây, trung tâm không sản xuất giống hoa nữa nên người dân phải lên Đà Lạt lấy giống về nhân ra. Bình quân 1.000 cây giống có giá 350.000 - 400.000 đồng. Tiền mua vật liệu đúc chậu cũng khá tốn kém (từ 200.000 - 500.000 đồng/chậu tùy kích cỡ) trong khi nguồn vốn vay hạn chế. Hiện nay, làng nghề đang cần vốn để cải tạo mặt bằng đã được quy hoạch tại Hòn Sầm.


Lãnh đạo phường Ninh Giang cho hay, để đáp ứng nhu cầu vốn của làng nghề đá mỹ nghệ hiện nay cũng như thời gian tới dự kiến cần 3,7 tỷ đồng. Làng đá sẽ thực hiện 3 dự án trong năm 2018 gồm: cải tạo mặt bằng sản xuất, đường giao thông nội bộ và kéo điện. Năm 2019, sẽ đầu tư xây dựng khu trưng bày sản phẩm đá mỹ nghệ. Tương tự, làng nghề trồng hoa cúc dự kiến có tổng mức đầu tư 1,58 tỷ đồng từ nay đến năm 2020. Làng nghề sẽ thực hiện 4 dự án gồm: cải tạo mặt bằng sản xuất, xây dựng kênh thủy lợi, hồ chứa nước, đường điện và vườn ươm hoa cúc giống, nhà lưới.


Theo ông Trần Lân - Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, việc đề xuất vốn cho làng nghề là yêu cầu chính đáng, thực hiện theo Quyết định 1463 ngày 24-5-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng 2030. Thị xã đã đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định vốn cho các làng nghề. Trong kế hoạch kinh phí, thị xã không có ngân sách hỗ trợ, chủ yếu là vốn đối ứng của người dân. Thị xã rất mong tỉnh quan tâm hỗ trợ vốn để làng nghề phát triển.


PHÚ LÂM