Theo kỹ sư Trần Giỏi, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa, lan Dendrobium parahendersonii là loài mới vừa phát hiện tại Khánh Hòa.
Theo kỹ sư Trần Giỏi, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa, lan Dendrobium parahendersonii là loài mới vừa phát hiện tại Khánh Hòa.
Loài lan rừng này đã từng được nghiên cứu và thu mẫu tại Khu Du lịch suối Hoa Lan vào tháng 7-2014. Đến tháng 4-2021, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Thủ Dầu Một và Viện Sinh học nhiệt đới lại phát hiện loài này tại rừng Mã Đà, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), sau khi phân tích và đối chiếu các mẫu đã công bố là loài mới cho Việt Nam (tháng 8-2021).
Lan có thân mọc dày thành từng cụm, cao trung bình từ 30 đến 50cm, đặc biệt là phần gốc giả hành vuông cạnh (mặt cắt ngang) rất dễ nhận dạng, gồm 2-3 đốt, cao 3-5cm. Lá nhỏ hẹp, dạng như lá cỏ. Vòi hoa nhiều nhưng ít hoa, chi có 1-2 hoa; hoa nhỏ cỡ 1cm, màu trắng; môi có 3 thùy, bên trong vách của cánh môi có các sọc nhỏ màu tím và ở giữa có nhiều sợi màu cam. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, hiện diện trong kiểu rừng khô thưa bán thay lá ở độ cao thấp (dưới 200m), chịu được với khí hậu khô nóng; lan rừng phụ sinh thường mọc bám trên các thân cây gỗ nhỏ, hoặc trên các mỏm đá granite dọc theo bờ biển. Mùa hoa từ tháng 4 đến 6. Tại Khánh Hòa, do số lượng cá thể ít (dưới 100 đơn vị), ở mức độ nguy cơ nên cần được bảo tồn tại chỗ và phát triển nguồn giống. Tại Khu Du lịch suối Hoa Lan, loài lan này đã được nhân giống và nuôi dưỡng thích hợp trong điều kiện bán tự nhiên, cây sinh trưởng tốt và ra hoa hàng năm; dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Q.V