08:04, 06/04/2003

Đôi nét về lịch sử, văn hóa vịnh Cam Ranh trong tiến trình phát triển của dân tộc

Vịnh Cam Ranh nằm cách TP. Nha Trang khoảng 60km về phía Nam và được đánh giá là 1 trong 3 cảng biển tự nhiên tốt vào bậc nhất thế giới do có đủ 3 yếu tố cơ bản: chiều rộng, độ sâu và được che chắn tốt, lại nằm trong vùng ít bão. Vịnh được tạo nên do một nhánh của dãy núi Hoàng Ngưu (còn gọi là Đồng Bò, cao hơn 927m) chạy từ mũi Cù Hin theo hướng Bắc - Nam vào đến mũi Điện dài trên 30km, nhấp nhô đồi núi cát trắng với những điểm cao: Cù Hin, núi Ké, núi Phụng Hoàng, tạo thành một bán đảo...

Cảng Cam Ranh.

Vịnh Cam Ranh nằm cách TP. Nha Trang khoảng 60km về phía Nam và được đánh giá là 1 trong 3 cảng biển tự nhiên tốt vào bậc nhất thế giới do có đủ 3 yếu tố cơ bản: chiều rộng, độ sâu và được che chắn tốt, lại nằm trong vùng ít bão.

Vịnh được tạo nên do một nhánh của dãy núi Hoàng Ngưu (còn gọi là Đồng Bò, cao hơn 927m) chạy từ mũi Cù Hin theo hướng Bắc - Nam vào đến mũi Điện dài trên 30km, nhấp nhô đồi núi cát trắng với những điểm cao: Cù Hin, núi Ké, núi Phụng Hoàng, tạo thành một bán đảo (thường gọi là bán đảo Cam Ranh). Một nhánh của dãy núi Chúa (1.040m) từ phía Nam chạy theo hướng Nam - Bắc tới mũi Chà Đà thành một bán đảo (thường gọi là bán đảo Mũi Hời), tạo thành cửa trong của vịnh, rộng khoảng 1km. Đảo Bình Ba, gồm hai ngọn núi nối liền nhau: Hòn Gò và Hòn Dự (cao từ 100 - 200m) nằm án ngữ giữa biển, phía Nam bán đảo Cam Ranh, tạo thành cửa ngoài của vịnh gồm hai cửa: cửa Lớn ở phía Nam rộng khoảng 3,5km và cửa Nhỏ ở phía Bắc rộng khoảng 250m. Vịnh có chiều ngang khoảng 60km, chiều dài khoảng 20km; lòng vịnh sâu từ 12 - 25m; diện tích mặt nước cho tàu đậu khoảng 100km2, có sức chứa hàng trăm tàu cùng một lúc và tàu có trọng tải 100.000 tấn có thể ra vào vịnh dễ dàng.

Năm 1979, trong khu vực vịnh Cam Ranh, địa điểm khảo cổ học Xóm Cồn thuộc phường Cam Linh, thị xã Cam Ranh được phát hiện và đã được khai quật 2 lần vào các năm 1980 và 1992. Năm 1990, trên đảo Bình Ba và đảo Bình Hưng trong vịnh Cam Ranh, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật với quy mô lớn. Kết quả đã thu được rất nhiều di vật của cư dân cổ gồm các loại rìu đá, đồ gốm, đồ trang sức bằng lõi ốc… Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã xác lập được một văn hóa khảo cổ có tên gọi: Văn hóa Xóm Cồn, niên đại 4.140 ± 80 năm cách ngày nay.

Tháng 8-2002, di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm (thuộc xã Cam Thịnh Đông) cách di chỉ Xóm Cồn khoảng 5km về phía Nam cũng được khai quật. Hàng chục mộ chum, hàng vạn tiêu bản gốm cùng nhiều di vật bằng đá, đồng, sắt, thủy tinh, mã não… đã được tìm thấy. Như vậy, Hòa Diêm là một di chỉ cư trú và mộ táng của những cư dân cổ, là một gạch gối đáng tin cậy về khoa học của tiến trình phát triển kế tiếp từ giai đoạn văn hóa Xóm Cồn lên văn hóa Sa Huỳnh sau này ở Khánh Hòa cách đây khoảng 2.000 năm. Có thể thấy, những phát hiện về khảo cổ học nói trên không chỉ khẳng định vùng đất này từ rất sớm đã có con người sinh sống mà còn có ý nghĩa lớn về khoa học trong việc nghiên cứu các giai đoạn phát triển thời kỳ tiền sử và sơ sử ở Khánh Hòa cùng các mối quan hệ, giao lưu kinh tế - văn hóa của các nhóm cư dân cổ nơi đây với các nền văn hóa cổ ở khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ nước ta từ hàng ngàn năm trước.

Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905, hạm đội Nga Sa Hoàng gồm 52 tàu các loại do Đô đốc Rôjetvenski chỉ huy xuất phát từ cảng Libô vượt qua 3 đại dương, dài trên 16.628 hải lý đến Vơladivốtstốc để giải tỏa cảng Lữ Thuận đang bị hạm đội Nhật bao vây đã ghé vào vịnh Cam Ranh tránh bão và để được tiếp nhiên liệu, lương thực, nước ngọt suốt 1 tháng (từ 12-4-1905 đến 12-5-1905). Nhân sự kiện này, các chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp trên đường vào các tỉnh phía Nam truyền bá phong trào Duy Tân đã ghé vịnh Cam Ranh xem hạm đội Nga và cụ Huỳnh đã để lại một bài thơ đến nay vẫn còn lưu truyền ở Khánh Hòa.

Sau chiến tranh Nga - Nhật, lo sợ trước thế lực và âm mưu tranh giành thuộc địa của Nhật ở Viễn Đông và Thái Bình Dương, năm 1911, Chính phủ Pháp đã cử Đại úy hải quân Fillommeus chỉ huy xây dựng 1 quân cảng ở Cam Ranh. Trong chiến tranh thế giới lần II, giữa năm 1939, thực dân Pháp chủ trương xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn trong kế hoạch “phòng thủ chung” ở Đông Dương và nhiều công trình quân sự được xây dựng trên bán đảo Cam Ranh và đảo Bình Ba. Nhưng từ tháng 7-1940, Nhật đã ép Pháp để Nhật cùng “phòng thủ Đông Dương” và ngày 15-9-1940, Nhật gửi tối hậu thư đòi kiểm soát các căn cứ hải quân, trong đó có cảng và vịnh Cam Ranh. Trên thực tế, đến năm 1942, quân Nhật đã độc chiếm cảng và vùng vịnh đồng thời xây dựng thêm sân bay làm bàn đạp để tiến đánh các thuộc địa của Anh, Mỹ ở Thái Bình Dương cho đến năm 1945.

Ngày 18-10-1946, một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đã diễn ra tại vịnh Cam Ranh. Trên chiếc thông báo hạm Duymont d’Urville của hải quân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đi thăm nước Pháp trở về đã có cuộc hội đàm với Đô đốc Đácgiăngliơ nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh Pháp - Việt có thể nổ ra, đáng tiếc là đã không thu được kết quả do sự hiếu chiến của giới quân sự và chính trị Pháp.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Cam Ranh là một trong những vị trí bị quân đội Hoa Kỳ xâm chiếm đầu tiên. Ngày 10-6-1965, Lữ đoàn 106 gồm 4.000 công binh Mỹ đến Cam Ranh xây dựng căn cứ quân sự; tháng 8-1965, 4.000 tên thuộc Lữ đoàn 1 Sư đoàn dù 101 đến Cam Ranh; tháng 10-1965, Trung đoàn 30 Sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên đến Cam Ranh. Từ đó, quân Mỹ và chư hầu liên tiếp đổ quân vào Cam Ranh, năm cao nhất (1968) có tới 2 vạn quân Mỹ và 1 vạn quân của các nước chư hầu. Cam Ranh thật sự trở thành một căn cứ quân sự liên hợp hải, lục, không quân và khu hậu cần lớn cho cả chiến trường Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tại đây chúng đã xây dựng sân bay cấp 1 có thể sử dụng cho các loại máy bay hiện đại và hệ thống đường sá với tổng chiều dài 260km. Tháng 3-1967, chính quyền tay sai Thiệu - Kỳ đã ký hiệp định bán đứng vùng bán đảo và vịnh Cam Ranh cho Mỹ trong 99 năm, bao gồm một vùng rộng lớn với diện tích 260km2 và Mỹ đã biến Cam Ranh thành căn cứ hải quân lớn nhất Đông Nam Á.

Tháng 12-1968, Tiểu đoàn Đặc công 407 của Liên khu V đã được điều động về Cam Ranh, chuyên trách đánh căn cứ này. Mở đầu là trận đánh đêm ngày 6 rạng ngày 7-8-1969 tại Lỗ Đất, ta đã tiêu diệt 550 tên, hầu hết là sĩ quan và giặc lái Mỹ, phá hủy 9 kho chứa 350 tấn hàng quân sự, 2 kho xăng 1 triệu lít, 5 xe quân sự và 25 căn trại. Ngày 18-7-1971, ta tấn công kho xăng Quảng Cơ, đốt cháy 45 triệu lít xăng, diệt 30 tên Mỹ. Ngày 21-9-1971, tấn công kho bom Núi Ké, diệt 55 tên Mỹ, phá hủy 32 kho đạn gồm 55 vạn tấn, trong đó có 1 kho bom loại 7 tấn, 1 hầm tên lửa, 12 xe quân sự, 55 dàn tên lửa bảo vệ căn cứ. Đêm 8-4-1972, tập kích kho Suối Mốc, phá hủy hơn 35.000 tấn bom đạn, diệt 300 quân Mỹ. Đêm 11-6-1972, đánh kho xăng Ô Vũ, thiêu hủy 20 triệu lít xăng. Đêm 5-8-1972, diệt 200 quân ngụy, phá hủy 14 căn trại lính… Trong chiến dịch mùa xuân 1975, ngày 3-4-1975, Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Cam Ranh và tổ chức tiếp quản toàn bộ khu vực Cảng. Cam Ranh trở thành một bàn đạp chiến lược, căn cứ hậu cần của ta phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Từ năm 1979, theo hiệp định được ký kết giữa Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Xô, Cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hậu cần của hạm đội Thái Bình Dương. Ngày 2-5-2002, theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Cảng Cam Ranh đã được bàn giao lại cho ta. Quan điểm của Việt Nam về việc sử dụng Cảng Cam Ranh trong tương lai là sẽ không hợp tác với bất cứ nước nào để sử dụng Cam Ranh vào mục đích quân sự. Việt Nam sẽ khai thác có hiệu quả nhất những tiềm năng và lợi thế của Cam Ranh phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc Cảng Cam Ranh trở thành một cảng dân sự có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả nước trong thời gian tới. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Khánh Hòa từ nay đến năm 2005 đã được Trung ương phê duyệt, chẳng bao lâu nữa Cảng Cam Ranh sẽ được nâng cấp thành cảng biển quốc tế, sân bay Cam Ranh sẽ được cải tạo thành sân bay dân sự dùng cho các chuyến bay nội địa và quốc tế được nối với thành phố biển Nha Trang bằng một con đường ngắn chừng 30km chạy dọc theo bờ biển. Điều này sẽ góp phần khai thác những tiềm năng và thế mạnh của vịnh và cảng Cam Ranh trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước và ưu thế về văn hóa du lịch sinh thái ở Khánh Hòa sẽ được khai thác ở tầm cao mới, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, một số địa điểm có liên quan đến các sự kiện lịch sử, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa trong những năm qua ở khu vực này sẽ được tôn tạo, bảo vệ và khai thác một cách hữu hiệu hơn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ trong tương lai. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng ở tương lai tươi sáng của vịnh Cam Ranh.

Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG BẰNG