Dù là cán bộ chữ thập đỏ (CTĐ), giáo viên hay sinh viên, những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trong bài viết của chúng tôi vẫn đang từng ngày, từng giờ nỗ lực hết mình cho cộng đồng, lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội.
Người “vác tù và hàng tổng”
Dưới cái nắng như đổ lửa, anh Lê Thanh Ninh - Phó Chủ tịch Hội CTĐ thị xã Ninh Hòa vẫn nhiệt tình đến từng sạp tại chợ Dinh Ninh Hòa để vận động và thông báo cho các tiểu thương về lịch hiến máu tình nguyện sắp tới. Sau khi vận động, dặn dò người dân đi đông đủ, anh lại tất bật mang bánh, sữa, nhu yếu phẩm đến thăm 3 trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở tổ dân phố Phước Sơn, phường Ninh Đa. Vừa đến cổng, như đã thân quen, 3 đứa trẻ chạy ùa ra đón người cha đỡ đầu của mình. Cháu Ngô Ngọc Thủy Tiên (11 tuổi) - chị đầu trong gia đình kể, nhà có 3 chị em, mẹ bỏ đi đã 3 năm khi em út mới 2 tuổi, ba đi tù gần 2 năm nay. Không có cha mẹ, 3 chị em sống nương tựa vào người cô khuyết tật. Tháng 3-2022, biết được hoàn cảnh gia đình của 3 cháu, anh Ninh đã vận động nguồn kinh phí hỗ trợ sửa lại nhà, mua sắm bàn ghế học tập, giường nệm, sách vở, áo quần… và đưa 3 cháu vào danh sách địa chỉ nhân đạo để được nhận hỗ trợ hàng tháng. Có được nguồn hỗ trợ, cuộc sống của 3 cháu ổn định, đủ cơm ăn, áo mặc. Thủy Tiên xúc động: “Tháng nào chú Ninh cũng tới thăm, mang quà bánh tới. Tết, đầu năm học, chú dẫn 3 chị em đi sắm đồ mới, sách vở… Không có ba mẹ ở bên, được cô và chú Ninh yêu thương nên tụi con cũng đỡ tủi”...
Anh Lê Thanh Ninh cùng 3 người con đỡ đầu của mình. |
Anh Ninh cho biết, năm 2006, anh bắt đầu tham gia công tác CTĐ. Tất cả những chương trình, hoạt động nhân đạo anh xây dựng đều hướng tới cộng đồng, người yếu thế. Quá trình làm, dù gặp nhiều khó khăn nhưng khi chứng kiến những nụ cười, niềm hạnh phúc của người nghèo đã giúp anh có động lực gắn bó dài lâu với công tác này. Đến nay, mô hình “Thùng tiền nhân đạo” do anh xây dựng đã được triển khai tại 20 quán ăn, nhà hàng, quán cà phê… trên địa bàn thị xã. Bình quân một năm, các thùng tiền nhân đạo thu về hơn 50 triệu đồng trợ giúp cho các đối tượng yếu thế. Mô hình bếp ăn từ thiện, máy đun nước sôi tự động miễn phí, kệ đồ cũ cho người nghèo do anh thành lập 5 năm qua đã phục vụ hơn 30.000 ổ bánh mì thịt, hơn 50.000 suất cháo, cơm cho bệnh nhân.
Ngoài ra, để có kinh phí thực hiện chương trình “Tết nhân ái”, “Tháng Nhân đạo”, “Xây nhà CTĐ”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”…, anh đổi mới hình thức vận động bằng cách tổ chức các giải thi đấu bóng đá, giải cầu lông gây quỹ hơn 500 triệu đồng; vận động hơn 800 triệu đồng hỗ trợ đột xuất cho hơn 400 trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đuối nước, bệnh hiểm nghèo… Anh còn tổ chức đưa 2.000 người có bệnh về mắt đi TP. Hồ Chí Minh mổ mắt miễn phí, với kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Anh cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống với hơn 140 hội viên tham gia; bản thân anh tham gia hiến máu tình nguyện 74 lần…
Với những thành tích đó, anh Ninh đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác hiến máu tình nguyện năm 2016, về tổng kết 20 năm Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000 - 2020; được Thị ủy, Tỉnh ủy biểu dương thành tích 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2007 - 2009). 16 năm liền (2007 - 2022) anh được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng bằng khen; nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2015, anh là một trong số 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc, được Bộ Y tế tặng bằng khen và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng kỷ niệm chương.
Hết lòng vì học sinh
Đầu năm học 2021 - 2022, trong số 30 học sinh lớp 4 do cô Phạm Thị Châu Long (Trường Tiểu học Cam Linh, TP. Cam Ranh) làm giáo viên chủ nhiệm, phần lớn đều chưa đạt các yêu cầu về năng lực và phẩm chất. Để xây dựng lại nền nếp lớp học, cô đã phát phiếu khảo sát, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe, sở thích, ước mơ và cả những điều lo lắng của từng học sinh. Đặc biệt, trong các hoạt động ngoài giờ dạy về tính trung thực, thật thà, vượt khó trong học tập, cô khéo léo dẫn dắt các bài học thông qua những câu chuyện kể theo tranh; biểu diễn tiểu phẩm; đưa ra tình huống cho học sinh phân tích, xử lý; cho các em thi đua nhau nói lời hay, làm việc tốt; ghi những điều quan sát được, những bài học hay trong cuốn sổ tay. Dần dần, các em biết giữ nền nếp, chăm chỉ học tập; biết hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ với bạn; biết nhận lỗi khi sai, biết cảm ơn khi được giúp đỡ... Nhờ phương pháp giảng dạy phù hợp, cuối năm học, kết quả học tập và rèn luyện của lớp tiến bộ vượt bậc.
Cô Châu Long hướng dẫn học sinh làm bài. |
Trong 26 năm gắn bó với nghề, cô Long được coi là người tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá của trường với nhiều sáng kiến hay và hiệu quả. Cô cho rằng: “Nghề giáo không chỉ dạy chữ, mà còn dạy người. Việc giáo dục học sinh tiểu học phải kiên trì từng ngày và dạy trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. Tôi luôn tự nhắc mình phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo, để mỗi giáo viên là tấm gương cho học sinh nhìn vào và học tập”.
Không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, cô Long còn hoàn thành xuất sắc vai trò Phó Bí thư Chi bộ trường phụ trách công tác kiểm tra, giám sát; được Tỉnh ủy tặng bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2016 - 2020). Với vai trò là Chủ tịch công đoàn cơ sở, cô đã đưa hoạt động tổ chức công đoàn nhà trường trở thành mái ấm đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau. Năm học 2021 - 2022, Công đoàn trường được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô cũng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2021; được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" năm học 2021 - 2022; 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Thầy Văn Nhân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Linh đánh giá: “Cô Long là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của trường, được học sinh, phụ huynh tin yêu”.
Nữ sinh viên năng nổ
Tháng 7-2021, khi Nha Trang đang căng mình vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Nguyễn Thị Bích Phượng - cô sinh viên năm nhất ngành Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Nha Trang là một trong những sinh viên đầu tiên của trường đăng ký trở thành tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn phường Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ. Sự căng thẳng không lường trước được của dịch đã khiến công cuộc tham gia tình nguyện của Phượng kéo dài tới 3 tháng mà không thể về nhà. Hàng ngày, Phượng cùng các tình nguyện viên đi lấy mẫu, nhập dữ liệu hồ sơ truy vết F0 ở cộng đồng, phát nhu yếu phẩm cho sinh viên ngoại trú mắc kẹt ở Nha Trang. Phượng còn là tình nguyện viên hỗ trợ chương trình “Chuyến xe yêu thương”, đón 500 sinh viên từ tâm dịch trở về do Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp với Tỉnh đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức; hỗ trợ chuyến xe đưa 130 sinh viên Trường Đại học Nha Trang về quê trong tình hình dịch bệnh.
Sinh viên Nguyễn Thị Bích Phượng nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trung ương. |
Xông xáo, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, Phượng đã khẳng định mình trong các hoạt động của trường với nhiều vai trò, thành tích: 5 học kỳ liên tiếp đạt sinh viên giỏi; danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh và Trung ương năm học 2021 - 2022; là đại diện duy nhất của tỉnh tham gia vòng chung kết cuộc thi Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc năm 2022 và lọt vào top 6 chung cuộc; Đội trưởng đội Tiếp sức mùa thi - Tiếp sức đến trường năm 2022; Đội trưởng đội tư vấn và quảng bá tuyển sinh năm 2022, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thông của trường; Phó Chủ tịch Hội Sinh viên kiêm Phó Bí thư Đoàn trường... “Mong muốn của em là đưa phong trào Sinh viên 5 tốt của trường phát triển hơn nữa để giúp các bạn sinh viên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành”, Phượng chia sẻ.
NGÂN LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin