Quảng bá du lịch qua điện ảnh là điều không mới ở các quốc gia trên thế giới. Chỉ qua một bộ phim hay, khả năng quảng bá du lịch còn lớn hơn bất kỳ một chương trình quảng cáo tốn kém nào.
Quảng bá du lịch qua điện ảnh là điều không mới ở các quốc gia trên thế giới. Chỉ qua một bộ phim hay, khả năng quảng bá du lịch còn lớn hơn bất kỳ một chương trình quảng cáo tốn kém nào. Với một đất nước được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như nước ta, dường như điện ảnh và du lịch đang bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.
Bỏ lỡ cơ hội vàng
Được khởi chiếu tại hệ thống các rạp trên cả nước từ những ngày đầu tháng 10, bộ phim Pan và vùng đất Neverland đã gây chú ý ngay từ buổi chiếu đầu tiên. Từ cuối năm 2014, đoàn làm phim Hollywood đã đến Việt Nam thực hiện những cảnh quay 3D tại Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long. Dưới bàn tay của các nhà làm phim tài hoa thế giới, những dãy núi trùng điệp của vịnh Hạ Long, ruộng lúa xanh biếc ở Ninh Bình, lối vào bên trong hang Én được hiện lên hoang dã, kỳ ảo trong từng thước phim. Nhưng điều đáng nói là khán giả xem phim lại không được biết về điều này.
Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình). Ảnh minh họa |
Đơn vị quản lý điện ảnh phân trần, họ không nhận được bất kỳ công văn hay kịch bản nào xin quay phim nên không có chuyện bỏ lỡ. Còn những người làm du lịch lại càng tỏ ra bất ngờ hơn với những thông tin ấy và trong lúc các đơn vị chức năng còn đang ngơ ngác, lúng túng thì cơ hội vàng lại vuột mất. Tương tự như câu chuyện về việc đoàn làm phim James Bond (Tomorrow never dies) mấy năm trước khi vào Việt Nam khảo sát và dự tính quay ở đây, nhưng rồi lại phải qua Thái Lan để thực hiện các cảnh quay giả về đường phố Sài Gòn. Lý do về sau mới được tiết lộ là do những yêu cầu của đoàn phim James Bond không được chấp nhận.
Như vậy, vấn đề đặt ra là dường như chúng ta đã thiếu một cơ chế rõ ràng với những hướng dẫn cụ thể để có được mối liên hệ mật thiết với các đoàn làm phim nước ngoài, để họ sẵn sàng chọn Việt Nam để quay và đóng dấu thương hiệu những cảnh quay ấy trên phim. Có một thực tế là trong khi các nước bạn như: Thái Lan, Campuchia... đã thành công khi tận dụng các hình ảnh trong phim để quảng bá danh thắng của mình thì Việt Nam lại để lỡ nhiều cơ hội qua kênh quảng bá hiệu quả này. Lý giải về việc này, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng nhìn nhận: “Dịch vụ phục vụ các đoàn làm phim của chúng ta còn kém. Nhiều nhà làm phim khi thực hiện ở Việt Nam phải tự đưa trang thiết bị vào; trong khi chúng ta chưa có chính sách ưu đãi cho dịch vụ này nên khó cạnh tranh với các nước bạn”.
Không dễ nắm bắt
Trong một hội thảo bàn tròn xung quanh vấn đề quảng bá du lịch qua điện ảnh, nhà báo Frederick Ferrer chia sẻ: “Ở Pháp, quảng bá du lịch qua điện ảnh vô cùng quan trọng và thực tế cũng ghi nhận lượng khách gia tăng khi điện ảnh và du lịch có sự gắn kết với nhau. Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều này vì các bạn có một đất nước xinh đẹp, những con người dễ mến và lịch sử hào hùng. Nếu trong các bộ phim nêu bật được tất cả những điều tuyệt vời này, đó chính là một lời mời thuyết phục nhất để những du khách quốc tế đến với đất nước của các bạn”.
Nhiều chuyên gia phân tích, năm 2012, đạo diễn Victor Vũ cũng từng làm Thiên mệnh anh hùng với những cảnh quay đẹp lung linh, khiến nhiều người ngỡ ngàng của vùng núi non Ninh Bình, Cổ Loa... Nhưng sức hút để người xem muốn đến các cảnh đẹp đó thì bộ phim này lại chưa đạt được. Bởi thế, hình ảnh thể hiện tuy đẹp nhưng nếu bộ phim không có nội dung hấp dẫn thì hiệu quả quảng bá vẫn không thể cao.
Chia sẻ về những cơ hội hợp tác quảng bá du lịch qua điện ảnh, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã nhiều lần tuyên bố du lịch Việt Nam sẽ “trải thảm đỏ” chào đón các đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam để tăng cường cơ hội quảng bá du lịch. Ngoài chương trình mời các nhà làm phim từ Bollywood, Ấn Độ đến Việt Nam khảo sát một số danh thắng của nước ta để thực hiện những cảnh quay thì bộ phim King Kong 2 (đạo diễn Jordan Vogt - Roberts) có thể sẽ quay phần lớn các cảnh phim tại Việt Nam.
Đại diện Cục Điện ảnh cũng cho biết: “Năm 2016, cục sẽ đặt hàng các tác giả trong nước thực hiện phim theo thể loại tài liệu, với độ dài 10-12 phút để chiếu ở các hội nghị, liên hoan phim quốc tế. Các phim sẽ gắn với sản phẩm du lịch cụ thể, như: du lịch homestay, du lịch sinh thái, du lịch biển, hay các làng nghề truyền thống... Tiêu chí làm phim cũng đang được Cục Điện ảnh phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng. Tất cả nhằm giới thiệu Việt Nam là đất nước cởi mở, cảnh quan tươi đẹp, con người mến khách nhiệt tình”.
Vĩnh Xuân (SGGP)