"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng" và với tấm lòng thiện nguyện ấy, nhiều cá nhân âm thầm làm cầu nối đem những bữa cơm, phần quà để tặng người dân ở khu cách ly, những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Tết đến xuân về, họ vẫn không ngừng nghỉ, vẫn không muốn chọn việc nhẹ nhàng.
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” và với tấm lòng thiện nguyện ấy, nhiều cá nhân âm thầm làm cầu nối đem những bữa cơm, phần quà để tặng người dân ở khu cách ly, những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Tết đến xuân về, họ vẫn không ngừng nghỉ, vẫn không muốn chọn việc nhẹ nhàng.
Còn sức sẽ còn làm từ thiện
Khi không khí Tết Nguyên đán cận kề, cuối đường Ngô Thời Nhiệm (TP. Nha Trang) xuất hiện gian hàng 0 đồng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn mùa dịch. Gian hàng tuy nhỏ nhưng đủ loại thực phẩm, từ rau, củ quả đến bột ngọt, đường, mắm, bánh mì… Nhận bịch rau, củ quả từ những thành viên của gian hàng, cụ Nguyễn Thị Hạnh (TP. Nha Trang) xúc động: “Nhà cụ neo người, dịch bệnh nên 2 đứa cháu không đi làm được, nhà cũng thiếu thốn. Có được sự hỗ trợ như thế này, gia đình cụ bớt khó khăn”.
Phụ giúp các thành viên của gian hàng sắp xếp, trao các phần quà cho người đến nhận, anh Nguyễn Duy Đạt - chủ cửa hiệu cắt tóc Đạt Barbershop, chủ gian hàng 0 đồng chia sẻ: “Tôi đi làm từ thiện được 2 năm, nhiều nhất là từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát ở tỉnh. Đi nhiều, nhìn thấy nhiều mảnh đời rất khổ, dịch càng làm cho họ khốn khó hơn. Mở gian hàng này, tôi chỉ mong hỗ trợ một phần, giúp họ bớt khó khăn khi Tết đến, xuân về. Gian hàng này tôi chỉ bỏ công, còn lại là nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân”. Trước đó 1 tuần, anh Đạt cùng một số người rong ruổi từ đêm tới sáng, đi khắp các con đường ở TP. Nha Trang để tặng áo ấm, chăn và thức ăn cho những người lang thang cơ nhỡ. Đi cùng với họ, chúng tôi thấy nhiều ánh mắt biết ơn, những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận được món quà bất ngờ.
Anh Đạt kể, cái duyên đưa anh đến với hoạt động thiện nguyện khá tình cờ, ban đầu anh cắt tóc miễn phí cho những người mù, người cơ nhỡ khi thấy họ trên đường. Sau đó, anh vận động một số bạn cùng nghề tổ chức các đợt phát quà, cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh, cho trẻ ở Làng SOS, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh… Tháng 7, khi dịch bệnh bùng phát, nhiều khu vực bị phong tỏa, anh vận động quà từ mạnh thường quân, một mình lặn lội khắp các nẻo đường để mang tới tặng người dân. “Tổng số tiền và quà tôi vận động tặng cho người dân trong đợt dịch hơn 1 tỷ đồng. Tôi vẫn đau đáu nhất lần vận động hỗ trợ làm ma chay cho cụ già qua đời trong khu phong tỏa. Cụ có 5 người con thì cả 5 người bị mắc bệnh tâm thần. Khi tới hỗ trợ, nhìn những ánh mắt ngây ngô của con cụ, tôi thấy thật xót xa. Cuộc sống còn rất nhiều mảnh đời cơ cực, vì thế, còn sức tôi sẽ còn tiếp tục làm công việc này” - anh Đạt chia sẻ.
Đỏ lửa bếp ăn từ thiện trong mùa dịch
Bán hàng online, bán vé máy bay là nguồn thu nhập để chị Đặng Thị Bích Trâm - chủ cơ sở Mái ấm vòng tay mẹ (đường B3, Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, Nha Trang) duy trì mái ấm này và các hoạt động từ thiện suốt những năm qua. Chị chia sẻ: “Nhiều năm gắn bó với hoạt động từ thiện nhưng chưa lần nào tôi thấy cuộc sống người dân lao động nghèo lại khốn khó như năm nay. Ban đầu tôi lập bếp ăn từ thiện nấu cơm trưa cho các cô chú bán vé số, lao động nghèo. Khi dịch phức tạp, nhiều khu vực bị phong tỏa, tôi tưởng đâu bếp ăn sẽ tạm dừng nhưng ngược lại, ngày nào bếp cũng đỏ lửa cung cấp hàng ngàn suất ăn”.
Chị thống kê, chỉ trong 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9), chị và các hội viên trong chi hội Mái ấm vòng tay mẹ đã nấu 27.000 suất ăn với tổng số tiền 504 triệu đồng hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch và các khu vực bị phong tỏa; tặng 1.500 suất quà trị giá 120 triệu đồng cho những người hồi hương đi qua địa bàn tỉnh; tổ chức 1.500 chuyến xe 0 đồng vận chuyển nhu yếu phẩm đến các khu vực phong tỏa; hỗ trợ 100 tấn rau củ với chi phí 120 triệu đồng; giúp đỡ 21 trường hợp khó khăn, bệnh tật với chi phí hơn 200 triệu đồng… 3 tháng đi làm từ thiện cho các khu vực ở tâm dịch là chừng đó thời gian chị không dám về nhà vì lo ngại nguy cơ lây bệnh cho 2 con. Chồng chị là bộ đội, thời gian đó phải ở trong đơn vị, không về nhà. Hai đứa con sinh đôi 13 tuổi tự chăm sóc nhau. Là người mẹ, người vợ, chị cũng lo lắng, nhớ các con nhưng được các mạnh thường quân gửi gắm và hơn hết là người dân đang cần được chia sẻ, giúp đỡ nên chị cứ lặng lẽ dấn thân. Những lần tiếp xúc với F0, cả nhóm phải đi cách ly, hết cách ly, chị và các hội viên lại xắn tay áo vào làm. Dấu chân của bếp ăn từ thiện in dấu từ Hà Ra đến Hòn Nghê, Hòn Rớ, Phước Đồng…; từ khu phong tỏa đến các bệnh viện dã chiến, chốt trực trên quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Khi cuộc sống bình thường mới, chị lại trở về Mái ấm vòng tay mẹ. Bởi ở đó, vẫn còn những bà mẹ đơn thân, bà bầu lầm lỡ, trẻ em bị bỏ rơi cần đến vòng tay che chở của chị. Tính từ mẹ bầu đầu tiên mà chị cưu mang năm 2001, đến nay chị đã là bà ngoại của hơn 40 cháu.
Chung một tấm lòng
Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới thuyết phục được anh Nguyễn Bích Thảo (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ câu chuyện thiện nguyện của bản thân và nhóm Nhất Tâm do anh lập ra. Bởi theo anh, những việc của nhóm làm rất nhỏ bé, chỉ như hạt cát giữa sa mạc. Thế nhưng, có tìm hiểu mới biết hoạt động thiện nguyện của nhóm không hề nhỏ. Anh chia sẻ: “Bén duyên từ đợt đi từ thiện giúp đỡ bà con miền Trung bị mưa lụt năm ngoái, tôi lập nhóm Nhất Tâm để những người bạn gửi chút tấm lòng thơm thảo đến các hoàn cảnh khó khăn”.
Khi dịch bùng phát ở thị xã Ninh Hòa cũng là những ngày nhóm bắt đầu hoạt động hết công suất, có mặt khắp các xã, phường ở thị xã. Với phương châm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ngay khi nhận những xe rau củ, lương thực hỗ trợ từ các mạnh thường quân, nhóm phân chia người, ngày đêm đi khắp nẻo mang tới từng nhà cho người dân. Mồ hôi ướt đầm đìa trong bộ đồ bảo hộ, sau lớp khẩu trang, đó là hình ảnh quen thuộc của các thành viên trong nhóm suốt 3 tháng liền.
Với vai trò trưởng nhóm, anh Thảo có thói quen cập nhật thông tin, công khai tài chính và những việc thiện nguyện đã thực hiện trong ngày trên trang Facebook, Zalo Nhất Tâm để cả nhóm nắm tình hình. Qua đó, làm lan tỏa hành động nhân văn, thu hút ngày càng nhiều sự chung tay của bạn bè. Cứ mỗi status được đăng lên, nhóm lại nhận được nhiều chia sẻ, động viên, như tiếp thêm nghị lực để nhóm vơi đi những mệt nhọc, tiếp tục thắp sáng lòng nhân ái.
Câu chuyện, hình ảnh về chị Trâm, anh Đạt, nhóm Nhất Tâm… và còn rất, rất nhiều người ngoài kia như họ đang âm thầm làm đẹp cho đời, lan tỏa tấm lòng thiện nguyện.
LY DUNG