09:02, 13/02/2021

Chuyện kể về lần nối ray thông đường sắt Thống Nhất

Hơn 45 năm sau ngày nối ray, thông toàn tuyến đường sắt Thống Nhất, ký ức của những cán bộ, công nhân viên về ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Những câu chuyện cảm động, "cơm vắt ngủ hầm" được họ kể lại để nhắc nhớ một thời gạt cỏ cho tàu anh qua.

Hơn 45 năm sau ngày nối ray, thông toàn tuyến đường sắt Thống Nhất, ký ức của những cán bộ, công nhân viên về ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Những câu chuyện cảm động, “cơm vắt ngủ hầm” được họ kể lại để nhắc nhớ một thời gạt cỏ cho tàu anh qua.


Ký ức không quên


Ngày 31-12-1976, chiếc đầu máy hơi nước Tự Lực 141-121 mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được chọn kéo đoàn tàu khách đánh dấu thông xe khôi phục đường sắt Thống Nhất. Thành quả ấy như một bản hùng ca lao động của hàng vạn người dọc tuyến đường sắt, trong đó có quân và dân Khánh Hòa.

 

Tàu khách qua khu vực Vĩnh Lương, Nha Trang.

Tàu khách qua khu vực Vĩnh Lương, Nha Trang.


Dù đã 83 tuổi nhưng khi nhắc về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết xông pha nối ray đường sắt, ông Đặng Công Anh (115 Thái Nguyên, TP. Nha Trang) - nguyên Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, người đã trực tiếp tham gia chiến dịch khôi phục đường sắt Thống Nhất không khỏi bồi hồi xúc động. Lần giở những bức ảnh trong album đã nhuốm màu thời gian về kỷ niệm với ngành, ông Đặng Công Anh nhớ lại: “Tháng 11-1975, Hội đồng Chính phủ ra mệnh lệnh khôi phục toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam. Khi ấy, tôi vừa được điều động từ Huế về Nha Trang để cùng với anh em tổ chức nối ray, khôi phục chạy tàu. Do đã ngừng hoạt động từ lâu nên đường sắt Khánh Hòa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nền đường nhiều đoạn bị nước lũ xói lở cuốn trôi. Có nơi nền đá, tà vẹt và phụ kiện đã bị tháo đi. Cầu cống phần lớn bị hư hỏng. Thông tin tín hiệu cũng đứt, gãy không thể liên lạc. Để có thể khôi phục được đường sắt, cả công nhân đường sắt và bộ đội địa phương tham gia nối từng đoạn ray một. Đầu tiên nối từ Nha Trang đi Ninh Hòa, tiếp đến là Nha Trang vào đến Ba Ngòi”.

 

Ông Đặng Công Anh - nguyên Giám đốc  Công ty quản lý đường sắt Phú Khánh.

Ông Đặng Công Anh - nguyên Giám đốc Công ty quản lý đường sắt Phú Khánh.


Cũng tham gia khôi phục đường sắt Nha Trang từ những ngày đầu, ông Nguyễn Văn Chương (sinh năm 1935, đang sống ở Nha Trang) khi đó được Ban Giao thông vận tải Trung Bộ cử làm đại diện, phối hợp với Ty Giao thông vận tải Khánh Hòa để tiếp quản Khu hỏa xa Nha Trang. “Ngày ấy, cả nước phát động phong trào thi đua lao động để khôi phục đường sắt. Luồng gió cách mạng đã khơi dậy tinh thần và lòng yêu ngành, yêu nghề của công nhân đường sắt. Từ khu hỏa xa đổ nát cho đến các ty, các hạt, cơ xưởng, nhà ga… đều được nhanh chóng khôi phục để sớm phục vụ cho nhân dân đi lại. Máy móc thiết bị, vật tư thiếu thốn, chủ yếu nối ray bằng thủ công, anh em công nhân làm lán trại ngay cạnh đường sắt để thi công ngày đêm không ngừng nghỉ. Toàn tuyến đường sắt là một đại công trường rộng lớn, trải dài. Khó khăn nhất là khôi phục các đoạn cầu đường sắt tại đèo Cả, hầm đèo Rù Rì, cầu Suối Dừa… Điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn nhưng tinh thần thì lên cao, từ tháng 4 đến tháng 12-1975, đã làm mới 43km đường sắt, tính giá trị công khôi phục ngày ấy khoảng 5 triệu đồng”, ông Chương nhớ lại.


“Giây phút chuyến tàu nối hai miền Nam - Bắc qua ga Nha Trang, quân và dân dọc tuyến đường sắt vô cùng phấn khởi. Khi đoàn tàu kéo qua, hàng ngàn người vẫy tay chào đón, cờ hoa rợp trời. Đó là thành quả thực sự đáng tự hào của ngành đường sắt nói chung và với những người tham gia khôi phục đường sắt nói riêng”, ông Chương bồi hồi chia sẻ.


Mong sớm có đường sắt tốc độ cao


Thế hệ những người trực tiếp tham gia khôi phục đường sắt Thống Nhất bây giờ chỉ còn vài người. Chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, những người như ông Chương, ông Anh vẫn không khỏi băn khoăn về hoạt động của ngành đường sắt. “Trước đây, đường sắt là một biểu tượng của ngành vận tải. Biết bao thế hệ như chúng tôi có một thời tự hào về những gì mà ngành đường sắt đã cống hiến, phục vụ nhân dân. Thế nhưng đến nay, sự phát triển mạnh mẽ của những loại hình vận tải khác, cộng với sự lỗi thời về hạ tầng đã khiến đường sắt gặp rất nhiều khó khăn. Tôi nghĩ chỉ khi nào có đường sắt tốc độ cao như cao tốc đường bộ thì mới mong vực dậy được”, ông Đặng Công Anh trăn trở.


Theo thống kê, hiện nay, thị phần vận tải của ngành đường sắt đang ở mức thấp nhất trong lịch sử khi chỉ chiếm chưa đầy 0,2% sản lượng vận chuyển hành khách và 1,2% sản lượng vận tải hàng hóa. Nguyên nhân được chỉ ra là tàu hỏa hiện nay hoạt động trên nền tảng hạ tầng thấp kém, cũ nát của ngành đường sắt tồn tại hơn 140 năm. Những suy tư trăn trở của bao thế hệ đường sắt đã bắt đầu được ươm mầm khi dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.559km đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang được Bộ Giao thông vận tải xúc tiến.


THÀNH NAM
 


 

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư có tổng vốn dự kiến 58,7 tỷ USD và được chia thành 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 24,71 tỷ USD, giai đoạn 2 là 34 tỷ USD. Thời gian thực hiện dự kiến như sau: 2020 - 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh; giai đoạn 2 dự kiến từ 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó, đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.