12:02, 09/02/2016

Doanh nghiệp và đường vào TPP

Hơn 32 năm hình thành và phát triển, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) đã nhận thức được rằng thương hiệu sẽ lôi kéo khách hàng, thu hút các nguồn lực tốt nhất trong xã hội để phát triển bền vững.

Ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt: Đưa thương hiệu Khatoco sẵn sàng hội nhập quốc tế

 

Hơn 32 năm hình thành và phát triển, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) đã nhận thức được rằng thương hiệu sẽ lôi kéo khách hàng, thu hút các nguồn lực tốt nhất trong xã hội để phát triển bền vững. Trong nền kinh tế hiện nay, người tiêu dùng khi mua một sản phẩm không chỉ đơn thuần mua giá trị sử dụng của sản phẩm, dịch vụ đó mang lại mà còn mua cả thương hiệu của nó. Thương hiệu đã tạo ra sự cách biệt lớn giữa giá thành và giá bán, đó là khoản lợi nhuận mà thương hiệu mang lại.


Năm 2008 trở về trước, thương hiệu Khatoco được hình thành và phát triển mang tính tự phát theo sự đồng hành và phát triển của doanh nghiệp. Năm 2009, Khatoco đã xây dựng một chiến lược phát triển thương hiệu trung hạn và dài hạn. Với đặc thù Khatoco là một tổ hợp công ty mẹ - công ty con, gồm 9 nhóm ngành nghề bao gồm nhiều loại hình sở hữu vốn, nhiều nhóm sản phẩm khác biệt. Vì vậy, thương hiệu Khatoco xây dựng dựa trên cấu trúc hỗn hợp đa thương hiệu, bao gồm một hệ thống nhiều thương hiệu nhỏ dưới một thương hiệu lớn. Qua đó, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng thương hiệu và mối quan hệ giữa các thương hiệu với nhau. Có định hướng rõ ràng cho các thương hiệu con để kiểm soát được quá trình phát triển thương hiệu chính. Khi có cấu trúc thương hiệu rõ ràng sẽ hạn chế tình trạng các thương hiệu sản phẩm triệt tiêu lẫn nhau, xâm hại đến nhau, gây tác động xấu đến thương hiệu chính.


Đến nay, thương hiệu Khatoco đã thể hiện được thế mạnh của mình trên các lĩnh vực. Cụ thể, ngành thuốc lá đã khẳng định trong và ngoài nước là thương hiệu có một hệ thống bán hàng rộng khắp cả nước, quản lý hơn 7.000 đại lý. Đây là hệ thống lớn nhất, mạnh nhất của ngành thuốc lá tại Việt Nam. Ngành dệt may đã khẳng định thương hiệu áo sơ mi nam, nhiều năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, đạt nhiều danh hiệu Sao Vàng Đất Việt. Sản phẩm thịt đà điểu chiếm 90% thị phần cả nước, ngành may da với các sản phẩm thời trang nam và nữ có chất lượng da tốt nhất trong nước và có đủ năng lực cạnh tranh trong khu vực. Ngành dịch vụ du lịch có Yangbay, Đảo Khỉ - Suối Hoa Lan đại diện cho du lịch sinh thái biển và núi rừng đã là điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến Nha Trang. Ngành giấy in bao bì Khatoco và Đông Á đã khẳng định thương hiệu lớn nhất miền Trung cả về quy mô và chất lượng sản phẩm. Sự lớn mạnh và phát triển của thương hiệu con đã tạo nên một thương hiệu chính Khatoco đủ năng lực cạnh tranh để tiến tới thương hiệu quốc gia.


Tuy nhiên, xét cho cùng không có gì quan trọng hơn chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm vẫn là thương hiệu bền vững nhất. Các thương hiệu phải thường xuyên khôi phục, cải tiến cùng với liên tục có nhiều dòng sản phẩm mới để trở nên mới mẻ và tươi trẻ hơn khi đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Khatoco luôn tái cấu trúc lại thương hiệu, tập trung đầu tư có trọng điểm, có khoa học cho từng thương hiệu. Khai thác các kênh truyền thông phù hợp với từng dòng sản phẩm, từng giai đoạn... để đưa thương hiệu Khatoco sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế.


VĂN KỲ (Ghi)

 

---------------------------------------------------------------



Ông Vương Vĩnh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh: Sẽ tăng hàm lượng chất xám khoa học công nghệ trong sản phẩm

 

Công ty đã 5 lần vinh dự được nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt vào các năm 2005, 2008, 2010, 2013 và 2015. Đây là một giải thưởng có uy tín, và để đạt được phải vượt qua 3 vòng thẩm định và xét duyệt các tiêu chí như: trách nhiệm xã hội, nộp thuế và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, tăng doanh thu, tỷ suất lợi nhuận, doanh thu xuất khẩu... Từ lần đầu tiên nhận giải thưởng vào năm 2005, công ty đã không ngừng xây dựng thương hiệu với các mục tiêu: sinh lợi cho công ty và cán bộ công nhân viên; sinh lợi cho đối tác và khách hàng; sinh lợi cho kinh tế và xã hội.


Hiện nay, công ty tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập cho người lao động, nộp thuế... nhờ vào tính sáng tạo, kiên trì, quyết tâm, đoàn kết và vượt qua gian khó của toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty. Trong thị trường cạnh tranh đầy tính khốc liệt, công ty luôn chú trọng giữ vững chất lượng sản phẩm, đặc biệt là không ngừng tìm tòi, đổi mới, nghiên cứu hợp tác cùng các đơn vị khoa học và các chuyên gia trong và ngoài nước đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến ứng dụng vào các sản phẩm. Ngoài ra, việc áp dụng các phương pháp quản trị doanh nghiệp một cách khoa học cũng góp phần giữ vững và phát triển thương hiệu công ty.

 

Khi TPP có hiệu lực, sẽ có những ảnh hưởng vừa tiêu cực vừa tích cực đến các sản phẩm khác nhau của công ty. Lường trước những ảnh hưởng tiêu cực, công ty đã tìm hiểu kỹ các quy định trong TPP, vạch ra các giải pháp nhằm khắc phục và giảm thiểu những nguy cơ, thách thức. Đối với các sản phẩm ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam như nông sản, thủy sản, công ty đã tính đến những cạnh tranh với chính các quốc gia trong TPP như: Mexico, Peru, Chile, Malaysia... Các biện pháp cụ thể là thực hiện tiết giảm chi phí trong vòng tròn giá trị, bao gồm các chi phí: nguyên vật liệu, nhân công, sản xuất; đặc biệt chú trọng đến tăng năng suất lao động và tăng hàm lượng chất xám khoa học công nghệ trong sản phẩm.


NHẬT THANH (Ghi)

---------------------------------------------------------------

 

Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang: Chuẩn bị sẵn sàng đón TPP

 

Với Việt Nam, một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là dệt may. Vì vậy, tôi nghĩ các doanh nghiệp (DN) dệt may đã chuẩn bị mọi mặt để tham gia hội nhập, trong đó có Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.


Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam. Các nước tham gia TPP đều là những đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật với 31% các mặt hàng quần áo được xuất khẩu sang khu vực này. Khi tham gia TPP, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi thế, trong đó có phần thuế suất nhập khẩu các nước, tùy theo lộ trình và cơ cấu mặt hàng sẽ tiến đến giảm từ 17% đến 20% về 0%. Để được hưởng lợi thế này, các DN phải sử dụng sợi và vải từ 12 nước tham gia TPP. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ nguyên phụ liệu tự sản xuất tại Việt Nam còn thấp, mới khoảng 30%. Số còn lại phải nhập ngoại, trong đó, chủ yếu là nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang là một trong số ít DN đã đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Đối với sản phẩm may mặc đang xuất cho các nước, công ty đều chủ động nguyên phụ liệu từ sợi - dệt - nhuộm - may mặc.


Do hội đủ những điều kiện, yêu cầu về xuất xứ, nên khả năng công ty chúng tôi sẽ được hưởng thuế suất tốt nhất. Tuy vậy, TPP không phải là miếng bánh dọn sẵn, mà chúng ta phải luôn tính toán vì phải đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu nên áp lực cạnh tranh rất lớn. Ngoài đảm bảo quy tắc xuất xứ, lợi thế về thuế suất từ TPP mang lại cũng khiến làn sóng đầu tư trực tiếp (FDI) của nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam tăng cao. Nhiều DN FDI đã dịch chuyển nhà máy từ các quốc gia khác trong khu vực châu Á sang Việt Nam gây ra áp lực cạnh tranh với các DN dệt may trong nước. Trong khi đó, các DN Việt phần lớn có quy mô nhỏ, vốn yếu, công nghệ lạc hậu. Vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ, khi TPP có hiệu lực, các DN Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh ngay chính trên sân nhà.


Để chuẩn bị cho việc tham gia TPP, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã tiến hành đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vải dệt kim với công suất 3.500 tấn/năm, tăng năng suất lên gần 6.000 tấn/năm, tương ứng với gần 20 triệu sản phẩm may mặc. Theo Hiệp hội Dệt may, ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn 20% khi thuế suất TPP có hiệu lực. Để tận dụng cơ hội và lợi thế cạnh tranh từ TPP, các DN cần tăng cường liên kết với các công ty trong nước cũng như quốc tế, tạo thành một chuỗi cung ứng bên cạnh việc cung ứng nội bộ. Điều này sẽ giúp dệt may Việt Nam hướng đến đáp ứng nhiều hơn nguồn nguyên liệu cho sản xuất.


VĂN KỲ (Ghi)



---------------------------------------------------------------



Ông Trầm Kim Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa: Chủ động các biện pháp khi TPP có hiệu lực

 

Để bảo đảm cạnh tranh và phát triển trong điều kiện hội nhập, Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS - Ninh Hòa) đã nhận diện được các thách thức và chủ động các biện pháp đồng bộ về nguyên liệu, sản xuất, thị trường... Trọng tâm là giải pháp về nguyên liệu như: tập trung xây dựng vùng nguyên liệu có cự ly gần nhà máy để tiết giảm chi phí vận chuyển; đầu tư vốn cho nông dân mua sắm máy móc thiết bị cơ giới, tưới tiêu với lãi suất ưu đãi; đầu tư, hỗ trợ cho nông dân cải tạo, mở rộng diện tích, xây dựng cánh đồng mẫu lớn áp dụng cơ giới, tiết giảm chi phí đầu tư, ứng dụng giống mía có chất lượng tốt với giá rẻ do công ty cung cấp nhằm tăng năng suất, chất lượng mía. Công ty còn xây dựng mô hình nông trường kiểu mẫu để nông dân tham khảo tổ chức sản xuất quy mô lớn, ứng dụng cơ giới, học hỏi cách thức chăm bón phù hợp, giảm thất thoát sau thu hoạch. Chúng tôi cũng đang tập trung đầu tư tưới nước cho mía bằng cách chủ động thuê đơn vị tư vấn khảo sát toàn bộ nguồn nước mặt và nước ngầm tại Ninh Hòa, đề ra các giải pháp khai thác sử dụng nguồn nước hiệu quả, nghiên cứu các máy móc thiết bị bơm tưới mía thích hợp... trên cơ sở đó sẽ tiến hành đầu tư vốn không tính lãi cho người trồng mía trang bị mua sắm với thời hạn từ 3 - 5 năm.


Để tăng khả năng cạnh tranh, công ty được tập đoàn định hướng nâng công suất nhà máy từ 5.200 tấn mía/ngày như hiện nay lên 6.000 tấn/ngày vào năm 2016 và tối thiểu là 8.000 tấn/ngày vào năm 2020. Đồng thời, để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm, công ty đã hoàn tất lắp đặt dây chuyền đường tinh luyện cao cấp công suất 400 tấn/ngày, đầu tư tự động hóa toàn bộ dây chuyền nhằm tối ưu chất lượng đường thành phẩm, đồng thời tiết giảm chi phí góp phần giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, chú trọng phát triển các sản phẩm cạnh đường, sau đường từ phế phụ phẩm nhằm mang lại lợi ích kinh tế như: bã mía, mật mía, bã bùn... Chẳng hạn như nhà máy nhiệt điện của công ty được đưa vào khai thác với công suất 30MW và đã cung cấp cho lưới điện quốc gia.


Cuối năm 2015, công ty đã chính thức chuyển đổi thành BHS - Ninh Hòa (đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công). Việc chuyển đổi này là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của công ty nhằm sử dụng thế mạnh về thương hiệu, chất lượng và bộ máy bán hàng của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - thương hiệu đường lớn nhất Việt Nam. Sự kiện này cũng đánh dấu bước chuyển biến của công ty để cạnh tranh và hội nhập trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, để đưa BHS - Ninh Hòa phát triển thành một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, chúng tôi xác định sẽ xây dựng thương hiệu dựa trên các giá trị cốt lõi như: chú trọng chất lượng và thương hiệu sản phẩm; nuôi dưỡng và phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác và người trồng mía; chú trọng công tác quản trị doanh nghiệp.


BÍCH LA (Ghi)



---------------------------------------------------------------



Ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang: Tiếp tục nâng tầm thương hiệu nước mắm

 

Trong bối cảnh thị trường nước mắm có quá nhiều nhãn hiệu, nước mắm được pha chế..., Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang vẫn kiên trì tập trung sản xuất nước mắm theo cách truyền thống, không dùng chất bảo quản, giữ nước mắm thơm ngon, không biến chất, biến mùi. Trong năm, đơn vị đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ nên chất lượng sản phẩm được nâng lên, uy tín của công ty ngày càng nâng cao. Đồng thời, đơn vị xây dựng chiến lược đổi mới nguồn nhân lực để tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu; nghiên cứu và sản xuất thành công các loại nước mắm chất lượng cao. Đầu tiên là nước mắm có 35 độ đạm, đến 40 độ đạm và hiện nay là 60 độ đạm. Bên cạnh đó, công ty đã đẩy mạnh gia tăng giá trị sản phẩm về bao bì, hình thức; mở rộng phân phối; tăng cường quảng bá, đưa sản phẩm có mặt rộng khắp trên thị trường. Đó là những yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của thương hiệu nước mắm 584 Nha Trang và giúp đơn vị đạt Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt.
Hiện nay, đơn vị đã khẳng định vị thế trên thị trường; duy trì tốt tốc độ tăng trưởng từ 15 - 20%/năm, đảm bảo thu nhập của người lao động ổn định. Năm 2015, doanh thu bán hàng của công ty ước đạt 170 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch năm, vượt 16% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ gần 5 triệu chai và 1 triệu lít nước nắm, đạt 110% kế hoạch năm, vượt 17% so với cùng kỳ.


Tham gia vào TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội như: mở rộng thị trường xuất khẩu; thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, gia nhập TPP cũng đặt ra cho doanh nghiệp nói chung và Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang nói riêng nhiều thách thức. Quy mô công ty nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn hạn chế nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập hệ thống phân phối chính của các thị trường lớn. Mặt khác, tham gia TPP sẽ tạo sức ép về mở cửa thị trường hàng hóa; nước chấm, gia vị của các nước thành viên sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam, trong khi năng lực cạnh tranh ngành hàng này còn yếu...


Để tiếp tục nâng tầm thương hiệu nước mắm, năm 2016, lãnh đạo công ty không ngừng đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản lý; cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm; duy trì và mở rộng thị phần; đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm; giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu. Chúng tôi phấn đấu trở thành doanh nghiệp sản xuất, chế biến nước mắm hàng đầu với sản phẩm đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và quốc tế để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu.


KIM THAO (Ghi)



-------------------------------------------------------------------



Ông Trương Hữu Thông - Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận: Đề ra nhiều giải pháp để chuẩn bị cho TPP

 

Công ty TNHH Thông Thuận là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản. Sản phẩm của công ty luôn được khách hàng đánh giá cao, khẳng định được thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu khó tính nhờ việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện nghiêm ngặt, được kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn, chứng chỉ, chứng nhận quốc tế như: BRC, IFS, ACC, Haccp, Global G.A.P... Mỗi năm, công ty sản xuất hơn 3 tỷ con tôm giống, hơn 10.000 tấn tôm thương phẩm và đang tiếp tục mở rộng diện tích và quy mô nuôi trồng. Công ty Thông Thuận có 3 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu với sản lượng hơn 12.000 tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 100 triệu USD. Năm 2015, công ty có những dấu ấn nổi bật khi sản phẩm đã thâm nhập các siêu thị lớn tại Nhật, Anh... Năm 2016, công ty phấn đấu tăng trưởng doanh thu khoảng 20% đến 30% so với năm 2015.


Trong 12 nước thành viên của TPP thì Thông Thuận hiện đã xuất khẩu vào 5 nước gồm: Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada, Singapore. Khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản, Singapore được nhận định sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi nhờ thuế nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường này còn 0%; trong khi các nước cạnh tranh với tôm Việt Nam như: Thái Lan, Trung Quốc, Ecuado, Indonesia không tham gia TPP. Trong khi thị trường Mỹ là thị trường lớn, nhưng tôm Việt Nam nhiều lần bị áp thuế chống bán phá giá, do vậy doanh nghiệp sẽ không được hưởng lợi nhiều từ TPP. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi tham gia TPP, đó là khi công cụ thuế nhập khẩu không còn, các nước thành viên sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan như: an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu chất lượng hàng hóa, áp thuế chống phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước. Một trở ngại quan trọng khác là giá thành sản xuất con tôm ở Việt Nam tương đối cao so với các nước, nên giảm sức cạnh tranh khi tham gia xuất khẩu.


Trước tình hình này, công ty đã đề ra nhiều giải pháp để chuẩn bị cho TPP. Cụ thể, đối với thị trường Nhật Bản là thị trường chính của công ty, chúng tôi mở rộng thêm các khách hàng, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng, cải tiến nhãn hiệu mẫu mã để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, cải tiến quy trình kỹ thuật, đào tạo nâng cao tay nghề công nhân để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ được nhanh chóng, dễ dàng; tiếp cận các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước trong hiệp định để đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các nước.


HẢI LĂNG (Ghi)



-------------------------------------------------------------------



Ông Trần Văn Linh - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thức ăn chăn nuôi (Khafeed): Tăng cường liên kết đối mặt với ảnh hưởng của TPP

 

Chăn nuôi là ngành dễ tổn thương khi Việt Nam gia nhập TPP, do đặc thù ngành này có sức cạnh tranh thấp, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu con giống và thức ăn từ bên ngoài. Mặt khác, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, năng lực thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Vì thế, sản lượng và năng suất của ngành chăn nuôi thấp, dễ chao đảo khi nước ta nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ các nước có nền chăn nuôi phát triển như: Canada, Mỹ, Úc, Newzealand...


Trong khi người tiêu dùng có nhiều cơ hội để tiếp cận với những sản phẩm gia súc, gia cầm tốt, giá rẻ, thì người chăn nuôi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm các nước TPP tràn vào. Hiện tại, giá cả sản phẩm gia cầm, gia súc trong nước đều giảm do tác động bởi một lượng lớn thịt đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ.


Thời gian qua, Khafeed có nhiều nỗ lực xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm có chất lượng tốt đến người chăn nuôi. Sản lượng tiêu thụ hàng năm của Khafeed đạt 30.000 tấn, đời sống người lao động được cải thiện, thu nhập đầu người đạt bình quân 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là phần lớn khách hàng của Khafeed đều sản xuất với mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, không tham gia đầy đủ chuỗi khép kín từ khâu con giống đến sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì thế, sản phẩm của Khafeed chiếm thị phần thấp, đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các tập đoàn lớn và có khả năng sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn do có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam đón đầu TPP. Họ có lợi thế về tài chính, quy mô, khoa học công nghệ, tự động hóa quy trình chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất đến giết mổ.


Để ứng phó với tình hình trên, Khafeed đã định hướng tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu thị trường, tiết giảm chi phí, giảm giá thành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, đơn vị đã lựa chọn và triển khai thành công mô hình liên kết với phương thức hợp tác với người thu mua, từ đó đưa sản phẩm phân phối vào hệ thống và bao tiêu sản phẩm đầu ra chăn nuôi. Với cách làm này, người chăn nuôi được triển khai theo từng nhóm và được bảo đảm thời gian tiêu thụ, bán theo giá thị trường. Ngoài ra, Khafeed cũng đang liên kết với các đại lý xây dựng chuỗi liên kết bằng việc gắn kết sự hợp tác ba bên gồm: công ty - đại lý - người thu mua để xây dựng mô hình khép kín, nâng cao trách nhiệm từng phân đoạn trong chuỗi cung ứng phù hợp với khả năng và năng lực của các bên. Mô hình liên kết này đã được áp dụng thành công tại các tỉnh, thành trong nước và được các hộ chăn nuôi đánh giá cao. Với mục tiêu đưa ra thị trường các dòng sản phẩm cao cấp có hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Khafeed đang mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người chăn nuôi.


Phú Lâm (Ghi)