11:02, 10/02/2013

Phong lưu cái thú rượu trà

Người xưa không trọng tiểu thuyết bằng thi phú, cho nên rất ít người viết tiểu thuyết. Nếu có thì cũng ít người viết chuyện đời thường, nhất là chuyện chỉ kể về mấy thú ăn chơi. Riêng Kim Bình Mai (Trung Hoa) là một bộ tiểu thuyết rất lạ, ghi lại cho đời sau cái thú phong lưu trà rượu, yến tiệc đàn ca.

Người xưa không trọng tiểu thuyết bằng thi phú, cho nên rất ít người viết tiểu thuyết. Nếu có thì cũng ít người viết chuyện đời thường, nhất là chuyện chỉ kể về mấy thú ăn chơi. Riêng Kim Bình Mai (Trung Hoa) là một bộ tiểu thuyết rất lạ, ghi lại cho đời sau cái thú phong lưu trà rượu, yến tiệc đàn ca. Ngày xuân, hãy cùng với tài tử giai nhân thời đó sống cái không khí phong lưu thưởng thức một vài thứ rượu trà, nghe dăm khúc ca, xem mấy điệu múa.

Trước tiên là rượu. Mùa hè có rượu Mạt Ly, hay còn gọi là hoa lài, đặc biệt giống hoa trồng ở vùng Quế Châu là thơm nhất. Hoa Mạt Ly thường để ướp trà, nhưng riêng loại Mạt Ly Quế Châu người ta dùng để gây men cho rượu mau dậy hương. Mạt Ly thuộc loại rượu nhẹ, lên men tự nhiên không cần chưng cất như kỹ thuật làm bia ngày nay. Rượu Mạt Ly uống vào mùa hè, để giải khát. Người ta đựng rượu Mạt Ly trong cốc Liên Bồng (cốc lớn hình búp sen). Hãy tưởng tượng vào một chiều hè oi ả, bên hòn giả sơn, dưới cội quế hòe, tài tử giai nhân thưởng thức rượu Mạt Ly, lắng nghe người ca kỹ hát khúc “Chiếc Quế Lệnh” hay khúc “Nhân gian úy hạ nhật” (Mùa hè đáng sợ thật), giai nhân cầm quạt mà nan quạt làm bằng thứ trúc Tương Phi, phất giấy hoa tiên vẽ hình tùng hạc thì còn cảnh nào thi vị hơn?

Mùa đông uống  rượu Kim Hoa - một thứ rượu rất mạnh! Thế mà lại tuyệt vời. Rượu Kim Hoa mạnh đến nỗi tiểu đồng cầm bầu rượu để rượu sánh ra, rơi xuống lò than phựt cháy thành ngọn xanh rờn! Sở dĩ gọi là Kim Hoa Tửu bởi vì dưới ngọn bạch lạp, chất rượu lấp lánh những hoa vàng. Rượu Kim Hoa trước khi uống nên hâm nóng. Thử tưởng tượng vào tiết Lập đông, bên ngoài trời rét như cắt, hoa tuyết rơi lả tả, giai nhân tài tử khoác áo hồ cừu ngồi cạnh hỏa lò, bên khóm hồng mẫu đơn, sau bức bình phong làm bằng đá mỏng ở nước Đại Lý, nhấp chén rượu Kim Hoa dựng trong chén Kim Đào thì còn gì thú vị bằng! Ngồi buồn thì lấy con xúc xắc ra chơi trò “Tửu lệnh”. Trò chơi này như sau: Mỗi người gieo con xúc xắc, ra số nào thì phải làm câu thơ hay kể câu chuyện có liên quan tới con số đó, nếu không làm được thì phải uống chừng ấy chung rượu. Thực là cuộc vui suốt sáng, thâu đêm.

Một loại rượu nữa cũng thuộc hàng đông tửu đó là rượu Cúc Hoa. Cúc Hoa rất mạnh, vị ngọt, hương nồng, uống trong chén Liên tử (loại chén nhỏ như hạt sen). Mùa thu uống rượu Cúc Hoa, xem ca kỹ đàn hát khúc “Hàn Tiên Tử lên tiên”, nghe tiếng đàn “Bát thanh cam châu”. Đây là một khúc nhạc vui. Trong truyện Kiều có câu: “Tàng tàng chén cúc giở say” để chỉ loại rượu này. Rượu Quỳnh Tương cũng là một thứ rượu quý. Rượu ngũ hương có mùi trích từ 5 loại vỏ cây quý. Rượu Hà Hoa là đặc sản của huyện Hà thành. Rượu Hải Thanh, nước trong veo, hương ngào ngạt. Tất cả những loại rượu vừa kể đều là rượu quý, bậc quan quyền hay phú hộ mới thường dùng. Theo cổ y thì rượu quý giúp tăng tuổi thọ, tinh thần minh mẫn, sinh lực dồi dào.

Hàng thứ dân thành thị có mấy thứ rượu: Bồ đào hay là rượu nho. Bồ đào mỹ tửu dù đựng trong chén dạ quang cũng chỉ thuộc hạng trung tửu. Bạch tửu là loại rượu thường, thị dân dùng như rượu đế của chúng ta. Nông dân tự cất rượu lấy (tự sản tự tiêu) để uống thì gọi là lạc thủy (nước uống cho vui).

Sau rượu là trà. Trà quý ở Trung Hoa thuộc 2 miền Hạ Tuyền (Tô Châu) và núi Vũ Di thuộc Phúc Châu. Hầu trà (trà trên núi cao do khỉ hái) và Trãm mã trà (trà do ngựa ăn rồi giết ngựa lấy ra) không thấy nói trong Kim Bình Mai. Thời này, các bậc đại phú buổi sáng dùng các loại trà quý sau đây: Trà Lục An, trà uống vào lục phủ khương kiện. Trà Mộc Trí, uống vào tinh thần sảng khoái. Trà Thanh Tâm dùng để giải rượu. Trà Long Câu uống vào có thể thức thâu đêm suốt sáng mà vẫn không thấy buồn ngủ hay mệt nhọc. Trà Linh Bảo uống để tiêu thịt cá trong bữa tiệc thịnh soạn. Trung Quốc không có trà đạo cầu kỳ như Nhật Bản. Trà là thứ nước uống thường ngày và để mời khách. Uống rượu xong lại yến tiệc rồi uống trà cho giải rượu, tiêu thức ăn và tiếp tục ăn nhậu cho tới sáng.

Rượu trà lại phải có đờn ca xướng hát. Sau đây là tên một vài khúc hát. Lễ chúc thọ thì có khúc Thọ tỷ Nam sơn. Tiễn người thân lên đường có khúc Ngọc phù dung, Mã đáo. Các khúc hát vui thì có Nam thạch lựu hoa, Quế kỳ trùng hội, Đông cảnh ráng xuân đô, Khúc tam lộng hoa mai hát trong lúc hầu rượu. Sau cơn mưa có khúc Lương châu từ. Đi đường có khúc Nhạn quá xa, nghe xong bớt mệt. Chuốc rượu ngày xuân có khúc Hồng nhập xuân đào. Để nhớ người yêu đang ở xa có khúc Nhị phạm giang nhi thủy và Nhất giang phong... Như thế đủ thấy vào thời đó âm nhạc Trung Quốc đã dồi dào, tùy cảnh tùy tình mà tấu.

QUÝ THỂ