23:07, 21/05/2023

Dân vận khéo ở vùng cao

THÁI THỊNH

Thời gian qua, công tác dân vận ở huyện miền núi Khánh Sơn được cả hệ thống chính trị huyện đẩy mạnh, góp phần tạo nên sự đổi thay tích cực trong đời sống người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 

Vận động đồng bào thay đổi tiến bộ

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi theo chân đoàn công tác của UBND xã Thành Sơn đến những khu vực người dân sinh sống cheo leo bên triền núi thôn Apa 1, Apa 2 để tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Là địa phương còn nhiều khó khăn, cách xa trung tâm huyện 20km, xã Thành Sơn có 808 hộ dân, trong đó người DTTS chiếm hơn 88,61%. Tình trạng tảo hôn ở đây còn tồn tại suốt nhiều thế hệ, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm gia tăng nhanh số lượng, giảm chất lượng dân số.

Là người năng nổ, chị Cao Thị Rì Hiên (sinh năm 1993) - nhân viên chuyên trách về dân số của Trạm Y tế xã Thành Sơn đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 26 tuổi. Là người địa phương, chị hiểu sâu sắc những phong tục, tập quán lạc hậu khiến cái nghèo cứ đeo đẳng mãi bản làng mình. Chị đã tham gia vào Ban dân số xã, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức, như: Qua hệ thống loa phát thanh, các buổi phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học, lồng ghép tuyên truyền vào các buổi họp thôn, phát tờ rơi có nội dung về Luật Hôn nhân gia đình, tuyên truyền trực quan… Là người DTTS, có thuận lợi trong giao tiếp với đồng bào nên những người như chị Rì Hiên đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân xã Thành Sơn. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn nơi đây trong những năm qua đã giảm hẳn, năm vừa qua không còn trường hợp nào.

Chị Cao Thị Rì Hiên (bên phải hàng đầu tiên) đi tuyên truyền cho bà con ở thôn Apa 1 (xã Thành Sơn).
Chị Cao Thị Rì Hiên (bìa phải) tuyên truyền cho người dân thôn Apa 1 (xã Thành Sơn).

Là người Raglai, sinh ra và lớn lên ở xã Ba Cụm Bắc, chị Cao Thị Nương (sinh năm 1989) - Trưởng thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc) được kết nạp Đảng năm 2017. Với sự nhiệt tình, năng nổ, dám nghĩ, dám làm, chị Nương đã được người dân bầu làm Trưởng thôn A Thi khi tròn 25 tuổi. Phát huy khả năng dân vận khéo, chị Nương thường tổ chức các cuộc họp trong Nhà văn hóa thôn để thông báo chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân trong thôn; vận động người dân tham gia xóa đói giảm nghèo, đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế. Nhờ đó, mỗi năm, thôn A Thi đã chuyển đổi được 20-25ha đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm bình quân 10%/năm. Chị Nương chia sẻ: “Để thay đổi được cách nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS thì trước tiên, bản thân người làm công tác tuyên truyền phải làm gương; đồng thời phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Được sự hướng dẫn của cấp trên, thôn A Thi đã thành lập tổ hòa giải để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống hàng ngày của người dân”. 

Đẩy mạnh công tác dân vận

Bà Mấu Thị Thị - Phó Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho biết, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án số 04, ngày 13-12-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về nâng cao hiệu qủa công tác dân vận chính quyền trong việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu huyện Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử, tạo động lực phát triển du lịch; là vùng chuyên canh cây nông sản giá trị cao gắn với chế biến nông sản đem lại giá trị kinh tế cao; là khu du lịch sinh thái của tỉnh Khánh Hòa; là nơi nhân dân có mức sống ổn định, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng và an ninh được bảo đảm vững chắc.

Do đó, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng và ổn định đời sống người dân; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên cơ sở đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, mang lại hiệu quả thực chất; tuyên truyền vận động đồng bào DTTS khắc phục tâm lý thụ động, không trông chờ, ỷ lại, nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, huyện Khánh Sơn có 28/37 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tổng số hộ nghèo trong năm giảm 468 hộ với mức giảm 6,83% (đạt 154,9%); quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh.

Toàn huyện Khánh Sơn có 31 tổ hòa giải ở cơ sở với tổng số 163 hòa giải viên; trong năm 2022 đã hòa giải thành 7 vụ (đạt 100%); các vụ việc hòa giải chủ yếu là các tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai đều được giải quyết dứt điểm.

 

THÁI THỊNH