10:06, 16/06/2022

Trao cơ hội cho Khánh Hòa tăng tốc phát triển

Ngày 16-6-2022 là một ngày đặc biệt của nhân dân Khánh Hòa. Đó là ngày Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Thời gian thực hiện các thí điểm này trong vòng 5 năm, từ tháng 8-2022 đến năm 2027 sẽ tiến hành tổng kết. Nghị quyết của Quốc hội được ví như sự tháo gỡ những điểm nghẽn lâu nay làm kìm hãm sự phát triển của một vùng đất giàu tiềm năng.

Ngày 16-6-2022 là một ngày đặc biệt của nhân dân Khánh Hòa. Đó là ngày Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Thời gian thực hiện các thí điểm này trong vòng 5 năm, từ tháng 8-2022 đến năm 2027 sẽ tiến hành tổng kết. Nghị quyết của Quốc hội được ví như sự tháo gỡ những điểm nghẽn lâu nay làm kìm hãm sự phát triển của một vùng đất giàu tiềm năng.


Nghị quyết này với nhiều quy định thí điểm mang tính đột phá một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khánh Hòa về: Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong với danh mục ưu đãi thu hút đầu tư và quy định cụ thể những ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược; phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa, trong đó thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho hạ tầng và các công trình thiết yếu khác phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa. Nghị quyết của Quốc hội đã thể chế hóa, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện Nghị quyết 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.


Cũng trong sáng 16-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1). Nghị quyết này có ý nghĩa rất to lớn đối với hai tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa nói riêng và cả khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói chung. Đây là dự án giao thông quan trọng có tính chất liên kết vùng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung. Khi tuyến đường này được đầu tư xây dựng và hoàn thành sẽ là cánh cửa mở ra biển đối với các tỉnh Tây Nguyên, động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả vùng.


Các cơ chế, chính sách, quy định, danh mục ưu đãi đầu tư… đã được quy định hết sức cụ thể, ví như các điểm nghẽn về cơ chế trong thời gian qua đã được tháo gỡ. Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Vấn đề của Khánh Hòa là các sở, ngành và cả hệ thống chính trị phải quyết liệt tổ chức triển khai, thực hiện, bởi thời gian không có nhiều.


5 năm áp dụng thực hiện thí điểm những cơ chế, chính sách là thời gian quý báu để Khánh Hòa khẳng định mình. Các ngành trong tỉnh phải triệt để tận dụng, để tranh thủ tiến những bước dài trong thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương.


Thủy Ngân