Vụ việc ông Nguyễn Phong Thành (thôn Tây Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) hơn một năm qua mang đơn khiếu nại khắp nơi về cách UBND huyện Vạn Ninh giải quyết hồ sơ đất đai của gia đình ông, không khỏi khiến mọi người suy nghĩ.
Vụ việc ông Nguyễn Phong Thành (thôn Tây Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) hơn một năm qua mang đơn khiếu nại khắp nơi về cách UBND huyện Vạn Ninh giải quyết hồ sơ đất đai của gia đình ông, không khỏi khiến mọi người suy nghĩ.
Theo đơn trình bày, năm 1985 gia đình ông có mua một khu đất rẫy. Đến năm 2019 khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thì mới biết đất của mình đã bị cấp chồng lấn cho 3 hộ khác. Gia đình ông khiếu nại, Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Vạn Ninh sau kiểm tra đã đề nghị UBND huyện giao cơ quan thanh tra thực hiện thanh tra việc cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp đối với 3 thửa đất trên để có hướng giải quyết. Cách đề cập này ngay từ đầu đã đúng hướng giải quyết. Nhưng từ đó đến nay, gia đình ông được giải quyết theo một vòng tròn lẩn quẩn, để rồi trở lại điểm xuất phát.
Có thể tóm tắt “vòng tròn” này như sau: Tháng 6-2020 UBND huyện xử lý kiến nghị, giao Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND xã Đại Lãnh phối hợp thẩm tra. Tháng 8-2020 UBND xã Đại Lãnh có văn bản trả lời ông Thành, đồng thời báo cáo UBND huyện là đất đai có GCNQSDĐ nên thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án. Tháng 9-2020, UBND huyện trả lời ông Thành là giải quyết tại tòa án. Tháng 10-2020 trong đợt tiếp xúc cử tri, lãnh đạo tỉnh có ý kiến với UBND huyện giải quyết dứt điểm khiếu nại của ông Thành. Tháng 11-2020, UBND xã Đại Lãnh hướng dẫn ông Thành làm lại thủ tục đo vẽ, nộp hồ sơ cho bộ phận một cửa của huyện. Tháng 12-2020, UBND huyện có thông báo từ chối giải quyết hồ sơ. Lý do giống như lần đi làm đầu tiên tháng 9-2019: Đất đã được cấp cho người khác (!).
Gốc của vấn đề là thời điểm cấp GCNQSDĐ có sự sai sót giữa bản đồ địa chính đất lâm nghiệp đo năm 2007 với hiện trạng sử dụng đất của các hộ này. Sai sót này kéo theo những hệ lụy về sau. Sai sót này có một phần trách nhiệm của người dân khi thực hiện kê khai, đo vẽ, nhưng trách nhiệm chính vẫn là các cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước có sai sót thì phải sửa chứ không thể chỉ qua chỉ lại.
Cách giải quyết lòng vòng cho người dân như vừa qua thực chất là đẩy khó khăn về phía người dân.
Thủy Ngân