Tết Tân Sửu, ngoài việc tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, Khánh Hòa cũng đã tổ chức thành công Tết trồng cây, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Tết Tân Sửu, ngoài việc tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, Khánh Hòa cũng đã tổ chức thành công Tết trồng cây, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trong tỉnh đã trồng được 6.177ha rừng trồng tập trung và 2,2 triệu cây xanh phân tán. Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ trồng mới 8 triệu cây xanh phân tán và 1.600ha rừng tập trung. Để nhân lên được những cánh rừng này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và các địa phương.
Việc trồng thêm rừng, trồng thêm cây xanh để cải thiện, giữ môi trường sinh thái là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp như vừa qua. Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, rừng còn có vai trò xã hội, góp phần tạo việc làm và thu nhập. Minh chứng là hiện nay, khoảng 25 triệu người Việt Nam có 20 - 40% thu nhập hàng năm đến từ rừng. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng chính con người cũng là nguyên nhân hủy diệt hành tinh xanh ngày càng trầm trọng nhất. Để có một hệ cây rừng và lượng oxy cần cho sự sống trong khí quyển như ngày nay, thiên nhiên phải mất hàng tỷ năm vận động, nhưng để hủy diệt, con người chỉ cần mất vài năm. Nói vậy để thấy, rừng quan trọng đối với sự sống như thế nào.
Trồng thì khó, phá thì dễ. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình trạng phá rừng ở Việt Nam vẫn luôn ở cấp “báo động đỏ”. Ở Khánh Hòa, báo chí cũng thường xuyên phản ánh nạn phá rừng căm xe ở Ninh Tây (Ninh Hòa), rừng đầu nguồn ở Khánh Vĩnh, Khánh Sơn… Mất bao nhiêu năm cây mới thành rừng, nhưng chỉ trong chốc lát, cả cánh rừng bị cưa hạ không thương tiếc. Vấn đề đặt ra ở đây là, một mặt chúng ta kêu gọi trồng rừng, nỗ lực phủ xanh đất trống đồi trọc, nhưng vấn nạn khai thác, tàn phá quá mức rừng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Có lẽ chừng nào còn lợi ích quá lớn sẽ vẫn còn những kẻ nhẫn tâm tàn phá rừng. Vậy thì, bên cạnh bài toán trồng rừng, cũng cần phải có những giải pháp mạnh hơn, kiên quyết hơn đối với nạn phá rừng, mục đích là để giữ được những cánh rừng xanh ngát cho muôn đời sau…
Quay trở lại việc hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, có thể thấy đây là quyết tâm của Chính phủ. Quyết tâm này không phải là việc trồng được bao nhiêu cây to, cây lớn mà trồng cây phù hợp với từng khu vực khác nhau. Chúng ta chú trọng việc trồng rừng là điều cần thiết, nhưng cũng cần quy hoạch đất trong đô thị để trồng thêm cây xanh, làm sao để toàn dân cũng tham gia, trồng nhiều nhất có thể, để thành phố có thêm nhiều mảng xanh, thêm đẹp, thêm sức sống. Đó cũng là điều cần làm, bởi đây cũng là món quà giá trị nhất mà chúng ta để lại cho thế hệ con cháu mai sau…
HẢI NGUYỆT