11:04, 16/04/2020

Cúi xuống thật gần!

Tôi gặp anh T.Q.H (44 tuổi, làm nghề bán vé số dạo) khi đi làm thiện nguyện ở phường Vạn Thạnh trong mùa dịch Covid-19. Cuộc đời anh đến nay ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, từ nhỏ anh sống với bà nội. Căn bệnh tắc tĩnh mạch khiến anh phải cưa một chân khi mới 21 tuổi.

Tôi gặp anh T.Q.H (44 tuổi, làm nghề bán vé số dạo) khi đi làm thiện nguyện ở phường Vạn Thạnh trong mùa dịch Covid-19. Cuộc đời anh đến nay ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, từ nhỏ anh sống với bà nội. Căn bệnh tắc tĩnh mạch khiến anh phải cưa một chân khi mới 21 tuổi. Trong khi bạn bè cùng trang lứa vào đại học thì anh phải bán vé số mưu sinh. Rồi anh lập gia đình với người con gái từ Phú Yên vào Nha Trang bán vé số dạo. Bà nội mất, những người ruột rà (cô, chú) đuổi anh ra khỏi nhà khiến gia đình anh phải đi ở trọ. Cách đây 4 năm, vợ anh bỏ theo người tình, để lại anh cùng 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Một mình anh gà trống nuôi con. Những lúc vất vả nhất, nghĩ đến 2 đứa con, anh cố gắng vượt qua. Dịch Covid-19 đã khiến thu nhập từ nghề bán vé số sút giảm. Kể từ ngày 1-4, khi cả nước thực hiện việc cách ly xã hội, người bán vé số mất việc, cuộc sống của cha con anh càng khó khăn hơn… Mong ước lớn nhất của anh là dịch bệnh sớm được đẩy lùi, người bán vé số sớm được bán trở lại.


Mới đây, tôi gặp bà N.T.L - người vô gia cư thường kiếm sống ở chợ Đầm. Hỏi chuyện đời, nước mắt bà lăn dài trên má… Những người buôn bán ở chợ Đầm kể rằng, ngày trước bà L. ở chung với gia đình chị gái. Rồi chị gái của bà qua đời, người cháu trai làm ăn thua lỗ phải bán nhà nên bà trở thành người vô gia cư từ đó. Ngày ngày, bà đi bán ngo (dùng để nhóm lửa) và vài gói mì tôm để kiếm lời sống qua ngày; tắm giặt nhờ ở nhà người quen đường Tân Trang, phường Vạn Thạnh, ngủ ở ghế đá ngay đầu đường. Dường như đã quá mệt mỏi với việc mưu sinh trong mùa dịch, gặp chúng tôi, bà L. nói: “Cậu giúp tôi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội”. Ngày được đưa lên xe để vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, bà khóc thật nhiều bởi cực chẳng đã bà mới phải rời xa xóm chợ thân quen này.


Mùa dịch Covid-19 đã cho thấy trong xã hội vẫn còn nhiều mảnh đời cơ cực, khốn khó. Còn rất nhiều trường hợp khó khăn, người đạp xích lô cả tháng không một cuốc khách, người bán hàng rong, người lượm ve chai chạy ăn từng bữa... Vẫn biết rằng, trong cuộc đời, ai cũng có niềm riêng, có những vấn đề cá nhân cần lo toan nhưng nếu chịu khó “cúi xuống thật gần” chắc chắn chúng ta sẽ thấy rõ hơn những số phận không may trong xã hội. Ngồi nhớ lại những chặng đường đã qua, nhiều người (trong đó có tôi) có cảm giác đôi khi mình đã “sống rất ơ hờ”  khi  vội vã bỏ qua những gương mặt lam lũ xung quanh mình. Một người mù bán chổi trên vỉa hè ngay ngã tư đường ngày ngày ta phóng xe qua, một bà cụ bán thuốc lá trước vỉa hè sát cổng cơ quan… nhưng lâu nay ta biết gì về họ. Có mất mát gì đâu một lời thăm hỏi, động viên.


“Cúi xuống thật gần” để thấu hiểu và sẻ chia. “Cúi xuống thật gần” để hiểu rằng chỉ cần có một mái nhà, một việc làm ổn định, đủ sống đã là hạnh phúc!


XUÂN THÀNH

________________________________


 “Cúi xuống thật gần” - Tên một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.