10:08, 21/08/2019

Trợ lực cho miền núi

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, mục tiêu cơ bản đến cuối năm 2020, hai huyện này thoát khỏi diện nghèo.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, mục tiêu cơ bản đến cuối năm 2020, hai huyện này thoát khỏi diện nghèo.


Có thể thấy, đây là quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh. Bởi, số hộ nghèo của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh chiếm tới 48% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; số hộ cận nghèo chiếm 10% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh. Chưa nói tới việc hoàn thành các mục tiêu khác, việc thực hiện xóa, giảm 3.015 hộ nghèo và 1.100 hộ cận nghèo ở huyện Khánh Sơn; 4.201 hộ nghèo và 980 hộ cận nghèo ở huyện Khánh Vĩnh là cả một hành trình vô cùng gian nan. Trong khi đó, thời gian từ nay cho tới cuối năm 2020 vỏn vẹn chỉ còn có hơn... 1 năm nữa.


Ở trên là cách tính tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ. Nếu chuyển cách tiếp cận hộ nghèo từ đơn chiều, chỉ có tiêu chí về thu nhập, sang đa chiều, với rất nhiều tiêu chí, cả về thu nhập lẫn sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin..., tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương sẽ tăng rất cao: Khánh Vĩnh tăng từ 5,9% lên tới hơn 61%; Khánh Sơn tăng từ 13,8% lên 57,2%. Tuy nhiên, có thể thấy, giảm nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm khắc phục, hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo trên các lĩnh vực khác, như: không được đến trường, không được khám chữa bệnh, không được tiếp cận thông tin... Công cuộc giảm nghèo ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vì vậy mà thêm phần gian nan, kể cả việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 7 - 10% theo chuẩn nghèo quốc gia tiếp cận đa chiều của đề án.


Về cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo, lâu nay, tỉnh đã rất chú ý việc đầu tư hỗ trợ đồng bào miền núi chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Còn nhớ, từ năm 2000, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã đưa giống cây, giống con; cử người lên tận nơi giúp, vừa làm vừa hướng dẫn nhân dân trồng cây ăn trái, làm ruộng, chăn nuôi. Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công hơn 140 cơ quan hành chính, đơn vị, doanh nghiệp theo dõi, giúp đỡ từng xã. Nhờ sâu sát như thế, hiệu quả thấy rõ. Đây là bài học quý.


Bên cạnh việc tổ chức hỗ trợ nói trên, thiết nghĩ, cần vận dụng triệt để nội dung hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay của hộ mới thoát nghèo trong 3 năm theo Nghị quyết số 06 ngày 18-7-2018 của HĐND tỉnh về các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo tỉnh Khánh Hòa nhằm giảm bớt tình trạng tái nghèo, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.


Một trong những nội dung vô cùng quan trọng trong các đề án giảm nghèo bền vững của Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là đầu tư đồng bộ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh. Từ nhiều năm nay, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, bình quân mỗi năm, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở hai huyện miền núi. Ngoài ra, còn có thêm nhiều nguồn khác từ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ. Nhờ đó, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ở Khánh Hòa đã có bước chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của hai huyện miền núi hiện  nay vẫn còn rất hạn chế. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án giảm nghèo bền vững của 2 huyện là 280 tỷ đồng, trong đó đã có cả nguồn vốn đầu tư phát triển được hỗ trợ theo Chương trình 30a của Chính phủ. Như vậy, tỉnh Khánh Hòa đã gần như tập trung các nguồn đầu tư của Nhà nước cho phát triển miền núi. Có lẽ, bên cạnh nguồn vốn ấy, Khánh Hòa cần có kế hoạch, tạo cơ chế kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân như trước đây đã từng làm, tạo thêm nguồn lực phát triển cho miền núi.


PHONG NGUYÊN