Tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh vừa qua, phần chất vấn của các đại biểu đã thực sự làm nóng nghị trường bởi những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây như: các dự án du lịch, nạn phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép…
Tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa qua, phần chất vấn của các đại biểu đã thực sự làm nóng nghị trường bởi những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây như: các dự án du lịch, nạn phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép…
Nhiều câu hỏi đã truy đến tận cùng của vấn đề, đó là trách nhiệm của các sở, ngành đến đâu khi để xảy ra những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực của mình. Liên quan đến vụ giao đất sai quy định, phá rừng căm xe tại xã Ninh Tây (Ninh Hòa), giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã thẳng thắn nhận khuyết điểm vì đã không kịp thời phát hiện sai sót, để đơn vị trực thuộc vi phạm quy định trong một thời gian dài. Ông cũng thừa nhận, mình chỉ nắm được vụ việc sau khi báo chí phản ánh. Có thể đặt ngược lại vấn đề, vậy nếu báo chí không phát hiện và phản ánh thì đến bao giờ những sai phạm trong việc giao hơn 257ha rừng căm xe cho cá nhân quản lý mới được làm rõ và xử lý? Cũng cần nói thêm rằng, toàn bộ rừng căm xe ở Ninh Tây hiện chỉ còn khoảng 421ha. Trong nhiều năm qua, cánh rừng này liên tục bị xâm hại, báo chí đã nhiều lần phản ánh. Vấn đề này được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ nhưng tình trạng rừng bị phá vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vậy nên, khi người đứng đầu ngành nhận khuyết điểm, người dân tin là sẽ có sự chuyển biến trong công tác quản lý, sẽ chặt chẽ và hiệu quả hơn. Để những cánh rừng khác, không riêng rừng căm xe Ninh Tây - không còn bị rút ruột, bị xâm hại nữa.
Tương tự, vấn đề khai thác khoáng sản, đặc biệt là tình trạng khai thác đất, đá rầm rộ ở núi Hòn Rồng (Cam Lâm) cũng đặt ra nhiều câu hỏi về sự quản lý của các ngành chức năng. Khi tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân dừng mọi hoạt động khai thác tại đây và phải phục hồi môi trường trước ngày 30-4-2018, một số đơn vị vẫn… làm ráng. Vụ việc xảy ra trong thời gian dài, cũng được báo chí nhiều lần phản ánh, thế nhưng có thể thấy ngành chức năng và địa phương vẫn chưa có sự phối hợp để xử lý quyết liệt tình trạng này. Nếu tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý ngay từ đầu, núi Hòn Rồng đã không bị “xẻ thịt” như thế!
Có lẽ, chỉ làm rõ trách nhiệm không thôi chưa đủ. Cái người dân cần là sau khi thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót từ vụ việc đó, từ lĩnh vực đó, những cái sai sẽ được khắc phục, sửa chữa như thế nào để không lặp lại nữa.
HẢI NGUYỆT