Đạo lý quý báu của người Việt: Lá lành đùm lá rách, Nhường cơm xẻ áo, Thương người như thể thương thân... mỗi khi đồng bào mình gặp hoạn nạn lại tỏa sáng hơn bao giờ hết.
Đạo lý quý báu của người Việt: Lá lành đùm lá rách, Nhường cơm xẻ áo, Thương người như thể thương thân... mỗi khi đồng bào mình gặp hoạn nạn lại tỏa sáng hơn bao giờ hết. Sau cơn bão số 12, ngoài đời và trên mạng xã hội mọi người rủ nhau rần rần quyên góp đi cứu trợ. Các địa phương nườm nượp những đoàn, những cá nhân đến trao quà. Ai cũng muốn món quà thơm thảo của mình sớm đến tận tay những người đang bị đói rét, nhà sập, tốc mái...
Tin chính thức từ UBMTTQ Việt Nam tỉnh, số tiền các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, những nhà hảo tâm tính đến cuối tuần này đã ủng hộ về tỉnh được gần 40 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quý báu, cho dù rất nhỏ so với thiệt hại chung, để tỉnh hỗ trợ thêm cho những gia đình bị sập nhà, tốc mái… cho những địa phương bị thiệt hại nặng nề.
Có một thực tế đau lòng là qua những đợt cứu trợ trước đây, ở địa phương nào đó rộ lên tin hàng cứu trợ bị cán bộ xà xẻo, hàng bị “ngâm”… Con sâu làm rầu nồi canh, nên những nơi làm chu đáo bị vạ lây. Giờ thì cứ nghe đâu bị thiên tai, hỏa hoạn là nhóm này, nhóm kia tự động quyên góp, tự động đến tận nơi để trao tận tay. Hệ lụy là nhiều nhóm mất rất nhiều công sức vì có khi hàng cứu trợ không nhiều, nhưng mất công tổ chức đoàn, đi rất xa. Rồi cùng một địa phương, có người được nhận nhiều, có người không ở nhà nên không được nhận.
Nhớ năm ngoái khi hỏa hoạn xảy ra ở Xóm Cồn, mọi người ùn ùn đem quần áo cũ, mì gói... đến tận nơi, khiến địa phương và các hộ phải kêu trời. Đã có những xô xát khi có đoàn trực tiếp đến trao tiền hỗ trợ, có nhà được nhận, có nhà đi vắng không được nhận, thậm chí có người ở đâu cũng chen vào để nhận(!).
Cứu trợ là xuất phát từ tấm lòng của mỗi người muốn được san sẻ với đồng bào mình đang gặp khốn khó. Nhưng lòng tốt thôi chưa đủ, mà cần phải được quản lý và tổ chức chặt chẽ một cách chuyên nghiệp.
Đó là việc theo dõi quyên góp phải hết sức chính xác, minh bạch, mở sổ theo dõi đàng hoàng. Làm tốt điều này chính là để lòng thiện có điều kiện phát triển mãi mãi. Bởi đây là việc làm tự nguyện, xuất phát từ tâm của mỗi người, nên chỉ một tiếng xầm xì nào đó về việc quyên góp... là lòng tin không còn. Trong cơn bão số 12, có những người lăn xả đi cứu trợ ở một phường của Ninh Hòa, nhưng khi báo có bài biểu dương, lãnh đạo phường lại không vui vì nhóm này khi mới thành lập đã có chuyện về tiền bạc, khiến chính quyền phải can thiệp.
Đó là việc phải biết liên kết nhau để qua một cầu nối tin cậy, trao đúng địa chỉ. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể không bao giờ để người dân phải trong cảnh màn trời, chiếu đất, đã công bố địa chỉ tiếp nhận cứu trợ, công bố số tài khoản ủng hộ... Vậy xin hãy tin tưởng vào những điều này mà lặng lẽ ủng hộ.
Không có việc thiện lớn, không có việc thiện nhỏ, chỉ có tấm lòng thiện và tinh thần thiện nguyện. Và chỉ tấm lòng thôi vẫn chưa đủ…
Trần Duy