10:11, 16/11/2017

Phải gần dân hơn nữa!

Sau cơn bão số 12, đi kiểm tra tình hình ở một địa bàn miền núi, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát hiện một gia đình không còn gạo nấu. Ông phải tức tốc chỉ đạo chính quyền cơ sở ngay lập tức cấp gạo cho dân.

 

Sau cơn bão số 12, đi kiểm tra tình hình ở một địa bàn miền núi, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát hiện một gia đình không còn gạo nấu. Ông phải tức tốc chỉ đạo chính quyền cơ sở ngay lập tức cấp gạo cho dân.


Trong các nội dung chỉ đạo về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, Chính phủ luôn nhắc nhở các ngành, các địa phương tuyệt đối không để dân đói, dân không có chỗ ở an toàn. Trường hợp hộ dân không còn gạo nấu nói trên, thôn có biết không, xã có biết không, huyện có biết không? Nói có biết cũng không được. Biết, sao lại để dân không có gạo nấu? Nói không biết cũng không được. Tại sao không sát dân, không gần dân, không nắm bắt được tình hình đời sống người dân? Bão, lũ. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, một cách khẩn trương, quyết liệt. Người dân trông ngóng sự chia sẻ, hỗ trợ của các cấp chính quyền, cả về vật chất lẫn tinh thần.


Sự thờ ơ, hời hợt như vậy là rất có hại. Đảng, Nhà nước ta luôn có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm bảo đảm an sinh cho mọi người dân, trong mọi trường hợp. Thiếu trách nhiệm khiến người dân không được hưởng chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước quả là rất đáng trách. Dân không được hưởng chính sách an sinh. Chính sách an sinh không đến được với dân, cho nên không thể phát huy tác dụng. Tác hại kép của sự thiếu sâu sát, gần gũi nhân dân là ở đó.


Sau cơn bão số 12, có câu chuyện một vị trưởng thôn dừng xe máy trước một ngôi nhà bị tốc mái, vẫn ngồi trên xe, hỏi vọng vào: “Bay bao nhiêu mét vuông?” Ghi thông tin xong, ông rồ ga đi thẳng. Nghe có gì đăng đắng trong lòng. Ấy không phải là cách ứng xử của một người cán bộ đối với dân. Là trưởng thôn, ít ra anh phải vào nhà, đường hoàng thăm hỏi, động viên người bị nạn. Để họ cảm thấy được chia sẻ, động viên từ chính quyền mà an tâm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Về phía mình, qua đó, người trưởng thôn nắm bắt được tình hình cuộc sống, tâm tư tình cảm của gia đình người bị nạn để có hướng xử lý kịp thời, hiệu quả.


Thái độ đối với dân theo cái cách “bề trên” trong câu chuyện này quả là đáng trách lắm vậy. Người dân không xin của anh. Người dân chỉ cần ở anh sự trung thực và chân thành trong câu chuyện “cầm cân nảy mực”, để mọi người đều được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, một cách công bằng và minh bạch. Anh không phải là kẻ đi cho. Cho nên anh không thể có thái độ như vậy được. Mà ngay cả với những người đi cho, đi ban tặng, các cụ xưa vẫn dạy rằng “của cho không bằng cách cho” kia mà!


Cơn bão số 12 đi qua đã gần 2 tuần. Những đống đổ nát đã được dọn dẹp tương đối gọn gàng. Nhưng, mất mát của dân qua cơn bão là vô cùng to lớn, khó bù đắp. Mất người. Mất của. Mất mát nào cũng đau thương. Đừng đến với dân một cách chiếu lệ. Bởi trong lúc này, hơn bao giờ hết, họ đang cần sự quan tâm, an ủi, một cách thiết thực và chân thành.


Chúng ta đang học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong cách gần dân của Người thể hiện ở những việc rất giản dị khi tiếp xúc với dân; ở cách cư xử đầy tính nhân văn của tình người, tình làng, nghĩa xóm. Chính vì vậy, dân đến với Người, trò chuyện cùng Người như tâm sự với một người rất mực thân yêu của mình.


PHONG NGUYÊN