Năm học này, Khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Khánh Hòa có 9 ngành với tổng cộng 125 chỉ tiêu, nhưng chỉ có gần 40 sinh viên theo học. Trong đó, đông nhất là ngành đồ họa nhưng cũng chỉ có 9 sinh viên. Các ngành: biểu diễn nhạc cụ phương Tây chỉ có 5 sinh viên, biểu diễn nhạc cụ truyền thống 1 sinh viên…
Năm học này, Khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Khánh Hòa có 9 ngành với tổng cộng 125 chỉ tiêu, nhưng chỉ có gần 40 sinh viên theo học. Trong đó, đông nhất là ngành đồ họa nhưng cũng chỉ có 9 sinh viên. Các ngành: biểu diễn nhạc cụ phương Tây chỉ có 5 sinh viên, biểu diễn nhạc cụ truyền thống 1 sinh viên… Các ngành: diễn viên sân khấu kịch hát, diễn viên múa, sáng tác âm nhạc… không thể mở lớp vì không đủ sinh viên nhập học.
Có lẽ chưa bao giờ, việc tuyển sinh các ngành nghệ thuật lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại như hiện nay. Dù chỉ tiêu các ngành này tại Trường Đại học Khánh Hòa liên tục giảm qua các năm nhưng vẫn không thể tuyển đủ. Một số ngành cũng chỉ tuyển hạn chế vài thí sinh để đảm bảo cho công tác đào tạo nghề truyền thống. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Muốn vào học các ngành nghệ thuật, trước hết, thí sinh phải có năng khiếu, qua đào tạo sơ cấp, tham gia sơ tuyển các môn năng khiếu. Thế nhưng, qua nhiều năm khổ luyện vất vả, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp lại không mấy dễ dàng. Hiếm hoi có những sinh viên tìm được công việc ổn định hay chỗ đứng nhất định trong làng nghệ thuật. Quá nhiều băn khoăn, trăn trở trong việc học xong sẽ làm gì, ở đâu, nên nhiều thí sinh có lòng đam mê với nghệ thuật cũng phải chùn bước và chọn một lối đi khác. Trong khi đó, hiện nay, nhiều gia đình tại Khánh Hòa có nhu cầu cho con em theo học hệ sơ cấp nghệ thuật tại Trường Đại học Khánh Hòa lại tỏ ra tiếc nuối vì trường không tuyển sinh hệ đào tạo này nữa; còn hệ trung cấp cũng giảm dần. Nếu không có giải pháp nhằm phát hiện, bồi dưỡng những mầm non nghệ thuật thì nguồn nhân lực ngành nghệ thuật của tỉnh Khánh Hòa sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Và nếu không giải quyết được bài toán việc làm sau khi ra trường, chế độ đãi ngộ thỏa đáng… cho những sinh viên đang và có dự định theo học ngành nghệ thuật, thì e rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục quay lưng với ngành học này.
Không thể trách thế hệ trẻ không mặn mà với nghệ thuật, bởi, họ cần một nghề nghiệp, công việc có thể ổn định cuộc sống. Và những bạn trẻ của Khánh Hòa thực sự có tài năng, đam mê sẽ phải kiếm tìm một “mảnh đất” khác để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật của mình. Mai đây, khi những thế hệ nghệ nhân truyền thống không còn nữa, trong khi thế hệ kế cận cứ thưa vắng dần, thì liệu trong những chương trình phục vụ đời sống tinh thần, người dân và du khách đến với Nha Trang - Khánh Hòa có còn được nghe các làn điệu bài chòi, dân ca Nam Trung bộ hay thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc khác…?
A.THÁI