Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong đồ án Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong đồ án Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức Hội thảo “Nhiệm vụ điều chỉnh đồ án quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ TP. Nha Trang”. Tại hội thảo, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn đề xuất 13 khu vực điều chỉnh cục bộ nằm trong “khu vực đô thị ưu tiên phát triển du lịch” rộng hơn 2.700ha. Có 4 khu vực điều chỉnh sẽ không tăng chiều cao xây dựng mà quản lý chặt chẽ vì liên quan đến danh thắng, gồm: Tháp Bà Ponagar; lầu Bảo Đại; đồi Trại Thủy và nhà thờ Núi.
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn đang tiếp tục tiếp thu ý kiến của các chuyên gia; hoàn thiện đồ án để UBND tỉnh cùng Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ.
Theo Luật Quy hoạch đô thị, sau 5 năm thực hiện có thể rà soát điều chỉnh quy hoạch. Ở đây, Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2012, trong khi TP. Nha Trang lại đang có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá cao. Cho nên, rà soát; điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh, nhất quyết phải giữ cho được mục tiêu phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế. Để làm được điều ấy, trước hết, đồ án phải có sự hài hòa giữa khối công trình xây dựng với cảnh quan thiên nhiên. Mong rằng, với sự đổi mới phương pháp quy hoạch; sự tham gia góp ý của cộng đồng; sự phản biện của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, qua điều chỉnh đồ án quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ lần này, TP. Nha Trang sẽ có bước phát triển mới trên nền tảng quy hoạch thật sự khoa học và nhân văn.
Câu chuyện về những sai phạm của Dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa là bài học đắt giá về quản lý quy hoạch. Những sai phạm của dự án này đang được các ngành chức năng xem xét, giải quyết. Song, qua đây, có thể thấy, công tác quản lý, thực hiện quy hoạch tại Khánh Hòa hãy còn nhiều bất cập; trong nhiều khâu, từ cấp giấy phép xây dựng cho tới việc kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng.
Cho nên, bên cạnh việc đầu tư công sức, tiền của cho xây dựng quy hoạch, chúng ta không thể không chú trọng công tác quản lý quy hoạch. Công tác này phải được đổi mới một cách toàn diện, ở nhiều nội dung như: công tác quản lý nhà nước về quy hoạch; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý các hành vi vi phạm quy hoạch; công tác đào tạo cán bộ quản lý và thực hiện quy hoạch; phương thức thông tin quy hoạch... Nếu quản lý quy hoạch tốt sẽ không xảy ra câu chuyện đau đầu dai dẳng mang tên Mường Thanh Khánh Hòa.
Có quy hoạch tốt rồi; có giải pháp quản lý quy hoạch cụ thể rồi còn phải xây dựng được định hướng, giải pháp phát triển đô thị bền vững nữa. Sở dĩ nói như vậy là vì để xây dựng TP. Nha Trang đáng sống, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện nhiều nhóm chính sách khác nhau; tạo sự đồng thuận xã hội để người dân ủng hộ; chia sẻ trách nhiệm cùng Nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch; tham gia quản lý đô thị; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng địa phương...
PHONG NGUYÊN