10:08, 21/08/2022

Tập trung các giải pháp giảm nghèo bền vững

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1 đến 1,5%/năm và tiến tới không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những giải pháp giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. 
 

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1 đến 1,5%/năm và tiến tới không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những giải pháp giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. 
 
 
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

 

- Xin ông cho biết kết quả công tác giảm nghèo bền vững mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua?
 
- Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Các chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành, triển khai kịp thời; ngân sách tỉnh và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo được nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo có cuộc sống khá giả. Một số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân hàng năm giảm 1,51% (từ 9,68% đầu năm 2016 giảm còn 2,09% cuối năm 2020). 
 
Cuối năm 2021, tỉnh đã triển khai tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Qua rà soát, số hộ nghèo toàn tỉnh là 12.874 hộ, chiếm 3,86%; 18.600 hộ cận nghèo, chiếm 5,58%. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025) làm cơ sở xây dựng các chương trình, đề án triển khai công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 và thực hiện các chính sách giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội hàng năm. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã giảm được gần 500 hộ nghèo…
 
- Công tác giảm nghèo hiện nay còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
 
- Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 47,43%) và huyện Khánh Vĩnh (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 45,9%). Hộ nghèo còn thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác để phát triển sản xuất. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được gắn kết chặt chẽ. Một số chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống, hiệu quả tác động chưa cao. Hoạt động hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khó thực hiện. 

 

Hỗ trợ mô hình trồng bưởi da xanh cho hộ nghèo  huyện Khánh Vĩnh.
Hỗ trợ mô hình trồng bưởi da xanh cho hộ nghèo huyện Khánh Vĩnh.
 
Ngoài ra, một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; nhân lực làm công tác giảm nghèo ở cấp xã còn thiếu ổn định, hoạt động kiêm nhiệm. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo.
 
- Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1 đến 1,5%/năm và tiến tới không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, toàn tỉnh sẽ tập trung triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
 
- Nghị quyết 09 ra đời là cơ hội vàng để tỉnh tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giảm nghèo. Do vậy, toàn tỉnh đã và đang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương đưa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo bền vững vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, đồng thời cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn để thực hiện, gắn với thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường phân cấp mạnh cho cơ sở để chủ động lập kế hoạch, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện.
 
Cùng với đó, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững; tăng cường vận động, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Xây dựng chính sách giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều phù hợp, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập tại chỗ cho người dân. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo; đẩy mạnh các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tư vấn, kết nối, giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh). 
 
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng; giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; bố trí nguồn lực để đảm bảo thực hiện tốt Đề án giảm nghèo bền vững của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2022 - 2025.  
 
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo với công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo nhằm tăng cường cung cấp thông tin, giúp người nghèo kết nối với các dịch vụ xã hội còn thiếu hụt, đặc biệt là thị trường lao động việc làm; hướng dẫn, vận động các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án giảm nghèo bền vững…
 
- Xin cảm ơn ông!
 
VĂN GIANG (Thực hiện)