Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ và nhân dân huyện Khánh Vĩnh đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, thực hiện khá tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra.
. Ông Cao Cường - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa
- Xin ông cho biết, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)?
- Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ và nhân dân huyện Khánh Vĩnh đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, thực hiện khá tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra. 5 năm qua, các ngành kinh tế trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định và phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,31%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần tương ứng với sự tăng lên của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tổng vốn đầu tư phát triển KT-XH toàn huyện đạt 788,9 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, cơ sở khám, chữa bệnh... góp phần tăng năng lực sản xuất, phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới, khang trang hơn; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của huyện ngày càng được hoàn thiện; giao thông thuận lợi, toàn huyện có 243,64km đường giao thông do huyện, xã quản lý, trong đó có 69,68% nhựa hóa, cứng hóa. Tính đến đầu năm 2015, số hộ dùng điện của huyện đạt 96,7%; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 75%.
Những năm qua, việc thực hiện các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh tại địa phương cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển mới. Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh cây lúa, mì, mía, cây ăn quả... theo hướng sản xuất hàng hóa. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực khai thác, chế biến nông - lâm sản; công trình thủy điện Sông Giang được đưa vào sử dụng đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng ngành công nghiệp. Ngành thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, sức mua tăng đáng kể, góp phần nâng cao tỷ trọng kinh tế của ngành.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, xã hội tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Trình độ dân trí được nâng lên. Điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Tình trạng thiếu nước hay sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh không còn. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đạt kết quả khích lệ. 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 42,9% xuống còn 13,8% (tính đến cuối năm 2014). Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện và ngày càng nâng cao...
Một góc thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: Phong Nha Trang |
- Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện còn chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là việc phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Ông có thể cho biết một số kết quả trong công tác này?
- Công tác chính trị, tư tưởng được Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm, đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, theo hướng bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt thông tin và định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp. Việc triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, trở thành nội dung sinh hoạt chính trị thường xuyên của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Huyện cũng đã tiến hành nghiêm túc việc quán triệt và kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhờ đó, những vấn đề nổi cộm được xem xét đánh giá, khắc phục như: Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ của hệ thống chính trị; thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo chống phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đầu tư phát triển các chương trình KT-XH ở miền núi...
Công tác phát triển đảng viên mới, đặc biệt là đảng viên người dân tộc thiểu số được Đảng bộ huyện rất quan tâm. Hàng năm, Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Nhờ đó, số lượng đảng viên được kết nạp qua các năm tăng dần. Trong nhiệm kỳ, toàn huyện đã kết nạp 441 đảng viên mới, trung bình mỗi năm kết nạp 88 đảng viên (chỉ tiêu đầu nhiệm kỳ 80 - 100 đảng viên/năm). Tính đến nay, Đảng bộ huyện có 31 chi, đảng bộ trực thuộc với 1.185 đảng viên; trong đó, 439 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 37,1%. Nhờ củng cố hệ thống chính trị cơ sở nói chung và làm tốt công tác kết nạp đảng viên nói riêng, đội ngũ cán bộ, đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng hợp lý, phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong lời nói và việc làm.
- Để phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo ông, địa phương cần có chủ trương, giải pháp chủ yếu nào?
- Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện xác định tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh để hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, gắn với xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo một cách bền vững; đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp tương ứng với sự tăng lên của ngành công nghiệp và dịch vụ.
Theo đó, Khánh Vĩnh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh đang triển khai trên địa bàn, nhất là Chương trình KT-XH miền núi và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong việc phát triển kinh tế, huyện sẽ hướng đến sự gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ - thương mại để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Đồng thời, địa phương sẽ tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nội thị, hệ thống cấp thoát nước, lưới điện để tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh; khuyến khích và thực hiện tốt chính sách ưu đãi để cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất như: cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch nông sản, vận tải hàng hóa, cơ khí sửa chữa nhỏ...
Một góc thị trấn Khánh Vĩnh |
Việc phát triển thương mại, dịch vụ được xác định là khâu then chốt nhằm đảm bảo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, huyện củng cố và phát triển hoạt động Trung tâm Dịch vụ - Thương mại miền núi, mở rộng và xây dựng mới hệ thống các chợ trên địa bàn để thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển; tạo điều kiện thuận lợi để huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ - thương mại. Đồng thời, huyện chú trọng phát triển du lịch, gắn du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Địa phương thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, huyện cũng tập trung đầu tư cho cơ sở để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi để phục vụ sản xuất và dân sinh; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật... cho người dân để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông!
XUÂN THÀNH (Thực hiện)
Một số chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020:
* Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,3%/năm. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 4,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,1%; thương mại - dịch vụ tăng 11%. Năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 20,5 triệu đồng/năm, tăng 70% so với năm 2015; có từ 4 - 5 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.
* Về văn hóa - xã hội: Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 6 đến 6,5%; đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98%, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Đến năm 2020 có 40% số trường mẫu giáo, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia. 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 8 bác sĩ, 1,5 dược sĩ và 32 giường bệnh/vạn dân. Nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 35,7%, tạo việc làm mới bình quân cho 1.000 người/năm.
* Về quốc phòng - an ninh: 100% xã, thị trấn có cấp ủy chi bộ quân sự, 100% chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng quân sự, trưởng và phó công an xã là đảng viên.
* Về xây dựng Đảng: 50% tổ chức đảng đạt trong sạch vững mạnh; 80% đảng viên trở lên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ. Phấn đấu đến năm 2020, 100% đảng bộ xã, thị trấn thành lập chi bộ trường trung học, tiểu học và chi bộ cơ quan...