Luật phải quy định sao cho các đại biểu Quốc hội thể hiện được vai trò của mình.
Luật phải quy định sao cho các đại biểu Quốc hội thể hiện được vai trò của mình.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trong phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/5, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh lấy đại biểu Quốc hội là trung tâm, hạt nhân của Luật tổ chức Quốc hội. Do đó việc quy định nhiệm vụ, quyền lợi của đại biểu Quốc hội phải rõ ràng, rành mạch; phải tăng cường năng lượng, trách nhiệm thẩm quyền hoạt động độc lập, không để vai trò cá nhân của đại biểu Quốc hội bị lu mờ.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị, khi đã đề cao vai trò của đại biểu Quốc hội, về logic quy định thẩm quyền và trách nhiệm của đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thấp hơn. Bởi thực tế đây chỉ là tổ chức sinh hoạt, phục vụ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội nên không thể có thẩm quyền độc lập.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị phải quy định rõ cả quyền của đại biểu Quốc hội được đăng ký tham gia vào một cơ quan của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có thể đăng ký thành viên của một Ủy ban trong Quốc hội để Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội vẫn có thể đăng ký tham gia vào các Ủy ban khác nếu đại biểu có yêu cầu.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị nghiên cứu quy định rõ về thời gian làm việc của đại biểu Quốc hội. Bà Mai cho rằng quy định quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội rất lớn thì cũng phải quy định thời gian cụ thể để họ tham gia hoàn thành các công việc của Quốc hội. Đối với những đại biểu không chuyên trách, bà Mai cho rằng nên quy định quyền được ưu tiên của đại biểu, để khi họ lựa chọn phần công việc của Quốc hội, cơ quan chủ quản của họ sẽ phải tạo điều kiện để họ tham gia.
Góp ý kiến vào quy định thời gian làm việc của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cần cân nhắc quy định đại biểu Quốc hội phải dành tối thiểu 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Quy định như vậy đại biểu không đủ thời gian để làm hết được các công việc của Quốc hội, mà tối thiểu phải dùng 50% thời gian để làm các công việc của Quốc hội.
Đóng góp ý kiến về vấn đề cơ cấu, thành viên của Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị bổ sung vào Điều 88 hoặc Điều 91 nội dung khi Hội đồng Dân tộc bàn về các chính sách dành cho người dân tộc, có thể mời đại diện của các dân tộc chưa có người tham gia Quốc hội khóa đó dự phiên họp. Ông Ksor Phước cho rằng, điều này mang một ý nghĩa chính trị rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vấn đề dân tộc.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình với quan điểm này, và đề nghị phải quy định rõ điều kiện để các đại biểu dân tộc được mời tham gia các phiên họp của Hội đồng Dân tộc.
Theo VOV