Không biết từ khi nào mà phong trào "tất niên xóm" lại rộ lên vào dịp cuối năm, nhất là ở những khu đô thị mới. Thay vì mời nhau đến nhà ăn tất niên xoay vòng, cứ tổ chức tất niên tập thể như thế hóa lại hay, âu cũng là dịp để hàng xóm láng giềng gần gũi, hiểu nhau hơn…
Không biết từ khi nào mà phong trào “tất niên xóm” lại rộ lên vào dịp cuối năm, nhất là ở những khu đô thị mới. Thay vì mời nhau đến nhà ăn tất niên xoay vòng, cứ tổ chức tất niên tập thể như thế hóa lại hay, âu cũng là dịp để hàng xóm láng giềng gần gũi, hiểu nhau hơn…
Khoảng sau 23 tháng Chạp, lướt một vòng facebook, thế nào cũng thấy không khí chộn rộn của những bữa tiệc tất niên xóm. Để chuẩn bị cho ngày vui này, thường sẽ có vài người trong ban tổ chức của xóm nhận trách nhiệm đi từng nhà thu tiền, bàn bạc về thực đơn, chương trình tất niên. Rồi cứ đúng ngày giờ đó, mọi người già trẻ lớn bé đều tập trung tại điểm hẹn, tất bật chuẩn bị bàn ghế, phụ nhau dọn cỗ, chưa ngồi vào ăn đã thấy vui tưng bừng.
Anh bạn có nhà ở Khu đô thị Phước Long kể, từ khi chuyển đến sống ở đây, năm nào nhà anh cũng được ăn tất niên tập thể. Từ đầu đường đến cuối đường khoảng mười mấy hộ, ngày thường chả mấy lúc gặp nhau, có khi hàng xóm sát bên còn không rõ nhà bên cạnh có bao nhiêu nhân khẩu. Nhưng đến cuối năm, nhờ có tiệc tất niên xóm, ai nấy đều biết nhau, nhà nào mới chuyển tới cũng có dịp biết mặt hết thảy các hộ trong xóm. Trước khi vào tiệc, người cao tuổi trong xóm sẽ đứng ra cúng tạ trời đất, làm đủ các thủ tục như một lễ tất niên của đại gia đình. Rồi sau đó, mọi người xúm xít dọn tiệc, chỗ này là của các cụ ông cụ bà, chỗ kia của những ông chồng hễ cứ ngồi vào là phải “trăm phần trăm”, chỗ này các chị vừa ăn vừa “tám” đủ thứ chuyện trên đời, chỗ kia là đám con trẻ đủ cỡ tuổi… Có anh hàng xóm ngày thường gặp chỉ gật đầu chào chả nói câu nào, mặt nghiêm nghị khó ưa, vậy mà dự tiệc tất niên xóm lần nào anh cũng là người pha trò tếu táo nhất. Còn nhà của anh giám đốc một doanh nghiệp ở đầu ngõ, năm thì mười họa mới thấy mặt họ vì đi công tác suốt, nhưng hễ cuối năm nghe thông báo có tất niên xóm, bận cỡ nào vợ chồng anh cũng thu xếp để có mặt, ngồi từ đầu đến cuối. Mấy bà “tám” kháo nhau, nhìn họ sang chảnh nhưng hóa ra lại dễ gần, xởi lởi, năm nào cũng đóng góp nhiều nhất. Ừ thì cuộc sống là thế, nhiều khi bận rộn quá làm cho người ta dễ có khoảng cách, nhưng có dịp ngồi ăn với nhau một lát bánh chưng, uống với nhau một ly rượu, nói vài ba chuyện, tự nhiên thấy không như những gì mình nghĩ.
Ở một xóm nghèo ven sông Cái, bữa tiệc tất niên dĩ nhiên là không hoành tráng như trong các khu đô thị mới, nhưng cũng đầy đủ lễ nghi và ấm áp tình người. Ông tổ trưởng năm nào cũng kiêm luôn trưởng ban tổ chức và… dẫn chương trình. Nhà có điều kiện thì đóng vài trăm, nhà khó hơn thì góp vài chục ngàn đồng, chủ yếu là liệu cơm gắp mắm nhưng nhất định không để thiếu quân số. Có mấy hộ thuê trọ không về quê ăn Tết, mới đầu thấy thông báo tham gia tiệc tất niên xóm, nhiều người ngại. Nhưng thấy ai cũng nhiệt tình, mỗi người góp một chút, bữa tiệc xôm tụ hẳn. Nhờ có dịp này mà mọi người biết chị Tư bán bánh bèo đầu ngõ bữa giờ đang đi trị bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng anh Tám bán vé số dạo có đứa con không may bị xe đụng gãy chân đang bó bột… Thôi thì của ít lòng nhiều, cả xóm góp lại trao cho mỗi nhà một ít, gọi là tình làng nghĩa xóm lúc hoạn nạn, khó khăn. Xóm lao động nên tiệc tất niên cũng kết thúc sớm để sáng mai mọi người còn dậy sớm đi “cày”, tranh thủ mấy ngày cuối năm kiếm tiền tiêu Tết. Có mấy nhà chung nhau nồi bánh tét thì quây quần lại vừa trông chừng vừa lập ban nhạc xóm hát cho nhau nghe…
Cũng có nhiều người chuyển nhà ra phố khác, nhưng cứ cuối năm lại náo nức về xóm cũ dự tất niên. Mẹ của cô bạn năm nay đã 83 tuổi, mấy hôm cận Tết cứ trông ngóng điện thoại của mấy bà hàng xóm cũ thông báo lịch gặp mặt. Giờ ăn uống đâu còn quan trọng, được ngồi hàn huyên với nhau mới vui. Các bà tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhà này nhà nọ rồi ôn lại chuyện xưa lơ xưa lắc, nhớ lại mấy cái Tết từ hồi mới giải phóng, lúc đó nghèo nhưng hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, thân còn hơn ruột thịt. Giờ thế hệ của các cụ chỉ còn vài người, lớp con cháu làm ăn khấm khá hơn, nhà cao cửa rộng nhiều hơn, vậy mà hàng xóm có khi cả tháng cũng không nói chuyện với nhau bao giờ, nhà ai cũng cửa đóng then cài, đi làm từ sáng tới tối mịt. Chỉ có dịp cuối năm, có bữa tiệc tất niên tập thể như vậy cả xóm mới quây quần lại, có chuyện gì không vui trong năm cũng được hóa giải, xí xóa…
Ai đó nhận xét, tất niên xóm cũng là một nét đẹp văn hóa. Anh bạn tôi bảo, cuối năm chạy sô tất niên nhiều nhưng vẫn thấy thích bữa tiệc tất niên xóm. Ở đó, dù là một công nhân bình thường hay một anh giám đốc, ngồi với nhau thì cũng vẫn là… hàng xóm, không còn khoảng cách. Nếu có thì chỉ là do quá chén rồi dẫn tới những chuyện không hay. Nhưng hình như điều này thì trước khi vào tiệc mọi người đã được quán triệt “vui thôi đừng vui quá” nên khi tiệc tan, ai nấy đều… vui như Tết!
Hải Nguyệt