Có đôi khi ngồi một mình ở chiếc ghế đá đã cũ trong con hẻm nhà mình, tự dưng nghĩ ngợi bâng quơ rằng, một Nha Trang trang hoàng lộng lẫy ngoài kia, trong ý nghĩ của người đi xa trở về, của những người đang miền miệt thở trong bầu không khí của nó hàng ngày, có khác gì nhau?
Có đôi khi ngồi một mình ở chiếc ghế đá đã cũ trong con hẻm nhà mình, tự dưng nghĩ ngợi bâng quơ rằng, một Nha Trang trang hoàng lộng lẫy ngoài kia, trong ý nghĩ của người đi xa trở về, của những người đang miền miệt thở trong bầu không khí của nó hàng ngày, có khác gì nhau? Hỏi rồi mà rằng, với một người dù chẳng sống đủ tháng năm với phố thì cũng đâu có lý gì để so đo, cho rằng họ không đủ nhớ để đằm sâu trong mình, coi nó tựa như một cuộc đời chẳng hề riêng lẻ.
1. Bữa ấy, tôi gặp chị trên chuyến tàu từ Nam ra Bắc, nơi tôi cùng nhóm bạn trở về Nha Trang sau một chuyến rong chơi. Chị, người lạ duy nhất trong khoang tàu hôm ấy, ngoài 60 tuổi rồi, ngẫu nhiên cũng xuống ga Nha Trang. Và đó là dịp hiếm hoi chúng tôi cùng nói về nơi mình đang sống, hay từng sống, với riêng chị. Chị bảo hồi xưa chị ở đấy, sau chuyển vào Sài Gòn, giờ định cư ở nước ngoài, tuổi mấy đứa có khi bằng con trai chị. Lần này về chị vẫn chọn lưu trú ở Sài Gòn, giờ ra đây để gặp người bạn thân thiết xưa kia vẫn ở chốn này. Chẳng biết đó có phải là cơn cớ đưa chị trở về xứ cũ hay là chính lòng mình thúc giục những bước chân tìm về. Trong ký ức chị có ngôi trường nữ Thánh Tâm chị gắn bó với đám bạn cả tuổi học trò, có lầu Bảo Đại thanh bình trên cao, có những con đường xưa hoang vắng... Những ký ức cứ lãng đãng theo giọng chị nhẹ mà sâu, cho tôi nghe trong đó như thể tiếng thì thầm của một người mẹ kể chuyện xưa.
Khi ấy, tôi không biết trong nỗi nhớ của một người đi xa trở về, sắp gặp lại Nha Trang sẽ còn là thứ gì nữa ngoài người bạn thân thuở học mẫu giáo nay cũng đã già như mình, một lầu Bảo Đại còn nguyên trong ký ức mà thực ra đã khác trong lần trở về này, hay khám phá một điều gì mới mẻ như khi chị bảo chị sẽ đi Yang Bay vì những bức hình đẹp lung linh bạn gửi đã thôi thúc chị muốn đến đó. Chừng như chị chẳng hề nhắc tới một Nha Trang đã khác, ngày trở về. Như để còn nguyên nỗi nôn nao hay cảm giác thân thuộc trong mình khi về thăm chốn này. Một Nha Trang xưa chị cơ hồ muốn chạm tới và cảm nhận. Như là khi chị đi trên con đường láng cón rộng mở hôm nay mà cứ nghĩ là con đường đất ngày xưa, nhìn tòa nhà cao tầng sáng rực mà nhớ tới chỗ đó trước kia là cái cổng gỗ, khe khẽ đẩy ra là chạm đến bậc thềm nhà mình… Rồi cứ thế mà lần giở những gì thân thương.
2. Bạn thì khác. Bạn mới bước qua tuổi 35 thôi và thuộc típ người ưa sống xê dịch, với Sài Gòn, Úc, Mỹ, Philippines… Nhưng Nha Trang lại là quê nhà, cứ rong ruổi tận phương trời nào thì nơi đây cũng là chốn dừng chân, dù quãng nghỉ ấy dài hay ngắn. Tôi vẫn nhớ cảm giác bên bạn lần gần nhất vào cuối năm ngoái, ngồi cà phê ở Intercontinental 20 tháng Chạp, bạn bảo 23 Tết phải bay qua đó rồi. Tết sắp chạm vào rồi mà bạn đánh đổi bằng những gì xa cách. Bạn ngồi đó, chợt bảo thèm những buổi sáng nhâm nhi cà phê ở tầng 2 của tòa nhà Intercontinental, nơi bạn làm việc trước khi qua bên ấy, nhìn xuống đường Trần Phú, nhìn những con sóng biển vỗ bờ đằng xa qua khung cửa kính, một cảm giác bình yên lạ. Chừng như bạn đang bắt đầu nhớ ngay khi mình chưa rời xa nó. Vì có một mái nhà ở đây bạn trú ngụ đã bao năm. Vì một mảnh hồn bạn cũng đằm sâu ở nơi này. Vì những góc phố, hàng cây, vị mặn mòi của biển… quen thuộc.
Vậy nhưng lần nào về bạn cũng bảo lại thấy một Nha Trang rất khác, như ngôi biệt thự kiểu cổ xây bằng đá vẫn còn nhưng đã ẩn sâu bên trong, và tầm nhìn của bạn chỉ có thể với tới một nhà hàng sang chảnh ở khoảnh đất mặt tiền. Như khi bạn bần thần đi tìm lại hương vị phở ở một quán nào đó mình ăn năm trước, nhưng đi tới đi lui mấy lần cũng chẳng thấy, hay thèm tô bún cá quen ở phố đã xuôi theo chủ lên Vĩnh Điềm Trung. Thế nên lúc nào ra phố bạn cũng ngồi sau yên xe, chẳng biết có phải để đọc những cái khác ấy trên từng con đường hè phố bạn qua. Tựa như những tầng cao, những nhà hàng treo đầy lồng đèn đủ kiểu. Tựa như những dây lộc vừng đong đưa trên nhiều nẻo đường. Giữa bao thứ khác lạ ấy, bạn không thôi nhắc nhớ về một thời áo dài trắng, có nhóm bạn chờ nhau mỗi bữa tan trường về trên con đường lung linh màu hoa muồng vàng trong nắng ban trưa, lí lắc dừng chân với ly chè mát ngọt 500, 1.000 đồng bên vỉa hè năm nảo năm nào, hay nhẩm đếm đám bạn xưa nay còn lại bao người… Nhớ là nhớ vậy thôi và bạn vẫn chọn cách ra đi như để cho nỗi nhớ lại có cơ hội tìm về.
3. Mà cái nhìn của một người đi xa về, trong nỗi nôn nao chạm vào thành phố ấy cũng khác chứ với một người gắn bó với mảnh đất này ngót nghét hơn 20 năm rồi và chừng còn dài hơn nữa, dù chẳng là quê. Ừ thì một Nha Trang nhỏ bé rồi cũng khác theo thời gian. Như hẻm nhỏ nhà mình vậy. Một khách sạn mọc lên bên cạnh một nhà hàng tiệc cưới với đèn giăng sáng rực. Căn nhà kề bên cũng thức thời mở tiệm tạp hóa nhỏ phục vụ khách. Thêm những căn nhà đập ra xây khách sạn mini, mở quán cà phê, cho khách tây thuê hay đổi chủ… người xe ra vào mang theo cả cái tĩnh lặng hẻm nhỏ.
Nhưng gặp họ rồi, nghe họ nói mà rằng, thôi đừng nhìn vào và soi những thứ ấy để bảo rằng thành phố giờ xô bồ lắm rồi. Hãy cứ như họ, neo vào những gì mình cảm nhận được đằng sau vẻ hào nhoáng đó. Nhìn một cô bé ngồi mải mê nghịch cát mà như nhìn tuổi thơ mình đi qua. Nhìn một mái nhà vui vầy dưới mưa mà nhớ mẹ cha buổi nào còn quần tụ. Nghe một giọng con gái xuýt xoa với củ khoai lang nướng bên đường một tối trời se lạnh mà nhớ hơi ấm một người từng nắm tay đi bên cạnh mình. Và hẻm nhỏ nhà mình đấy. Hai đầu hẻm lạ lẫm và xô bồ thế thôi. Cứ một lần đi hết hẻm đi. Để vẫn bắt gặp lũ chuột chạy lăng xăng qua lại. Vẫn còn đấy ngôi nhà cấp 4 với khung cửa sổ bằng gỗ, với bóng cụ già đong đưa bên cánh võng. Vẫn len lỏi những mùi hoa trong hẻm. Nguyệt quế. Ngọc lan. Những mùi hoa cộng hưởng mà nồng nàn. Vẫn chiếc ghế đá cũ nhìn ra vách tường rêu phong cũ kỹ ai đó trồng rau trên những thùng phuy mà nghe những thân quen.
Ờ thì Nha Trang bây giờ đã khác. Nhưng khác mà không xa lạ, để có những lần hội ngộ bất chợt của người đi xa trở về, cùng kể và cùng nhớ về thành phố này, một chút gì rất dịu nhẹ mà đằm sâu.
Để suốt một đời này có đi đâu về đâu, một chặng dài hay quãng ngắn, cũng có đôi ba lần tìm về mà à ơi với phố.
Bích Thuần