11:02, 05/02/2008

Hình ảnh chuột trong các sáng tác dân gian

Ngày còn bé, hình ảnh chú chuột Mickey dễ thương; chuột Jerry thông minh, hiếu động, nhanh như cắt trong các bộ phim hoạt hình...

Tranh dân gian “Đám cưới chuột”.

Ngày còn bé, hình ảnh chú chuột Mickey dễ thương; chuột Jerry thông minh, hiếu động, nhanh như cắt trong các bộ phim hoạt hình đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Những thước phim hoạt hình ấy xem đi xem lại vẫn không chán. Lớn lên, đọc những câu thành ngữ, tục ngữ, và đặc biệt là khi được thưởng thức bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”, tôi mới vỡ lẽ: Con chuột - ngoài đời - là loài đáng ghét, nhưng trên trang giấy, chúng được phác họa với hàm ý trào phúng, và đôi khi còn được ưu ái giao cho “nhiệm vụ” khá nặng nề: nói về những điều… khó nói.

° CHUỘT “CHÀNG” ĐI TRƯỚC, CHUỘT “NÀNG” THEO SAU

Từ bao đời nay, chuột đã trở thành con vật gắn liền với đời sống người dân. Cho dù ghét nó, chuột vẫn hiện hữu quanh ta, và đặc biệt, chuột được ưu ái đứng đầu 12 con giáp. Tích xưa kể lại rằng, trong lúc Ngọc Hoàng tuyên bố chọn 12 con giáp thì chuột là con lanh nhất và có mặt sớm nhất, vì thế Ngọc Hoàng cho chuột đứng đầu danh sách.

Những ai đã từng xem tranh dân gian Đám cưới chuột, hẳn sẽ thấy loài chuột hóm hỉnh như thế nào. Bức tranh mô tả một đám cưới xưa, có cả cờ, quạt, kèn, trống và các loại lễ vật. Đây là đám cưới khá quy mô của “nàng” chuột và “chàng” chuột - những “nhân vật” đại diện cho kẻ yếu thế trong xã hội. Xem bức tranh ta thấy, giữa đoàn rước là hai nhân vật chính, “chàng” chuột đội mũ, cưỡi ngựa đi trước, “nàng” chuột ngồi kiệu theo sau. Bọn chuột đi trên con đường chẳng lấy gì là bằng phẳng. Đã vậy, giữa đường lại có một “lão” mèo già hung dữ cản lối. “Lão” mèo giơ vuốt dọa nạt và tỏ ra rất quyền uy. Những chú chuột trong đám rước thấy vậy sợ hãi, mặt mày lấm la lấm lét, nhìn trước, nhìn sau, bởi chúng không thể được phép đi lại tự do, nghênh ngang như vậy. Hóa ra, làm đám cưới, chuột phải lo lễ vật (chim, cá) cống nạp cho mèo, cầu xin mèo cho đám cưới bình yên. Và, khi lễ vật cống nạp đầy đủ, mèo già mới thấy hả hê. Tranh Đám cưới chuột là minh chứng sống động cho quan hệ kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu trong xã hội phong kiến. Người ta mượn hình ảnh chuột để châm biếm chua cay, hài hước về một tệ nạn mà xã hội cần lên án và loại bỏ. Chính vì vậy, tranh dân gian Đám cưới chuột có một vị trí khá đặc biệt trong lòng mọi người, qua nhiều thế hệ. Con chuột trong bức tranh, vô hình trung được người ta thương cảm, yêu mến.

° CHUỘT TRONG… THÀNH NGỮ

Có lẽ, từ thuở hoang sơ, chuột - một loài gặm nhấm, phá hoại mùa màng, gieo rắc bệnh tật đã xuất hiện trong đời sống con người. Thời gian trôi đi, họ hàng nhà chuột sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống, và các sáng tác về chuột cũng trở nên phong phú. Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, hình ảnh chú chuột xuất hiện tương đối nhiều. Người dân quá am hiểu về loài chuột, kể cả đặc tính giống nòi của nó, nên khi nói đến một điều nào đấy họ lại mượn… chuột.

Trong số các con vật thì chuột là một trong những loài hay được nhắc đến. Quả là ý nhị, khi nói về quan hệ nam nữ bất chính, người ta dùng 2 từ chim chuột; nói về hiện tượng cha chung không ai khóc, người này ỷ lại người kia, người ta dùng thành ngữ Chuột bầy đào không nên lỗ - chỉ có cái lỗ thôi, vậy mà họ nhà chuột cũng đào không nên nỗi! Không chỉ có vậy, người đời còn mượn hình ảnh chuột để chỉ những đức tính không hay của con người: Chuột chù đeo đạc (đua đòi, không tự biết mình), chẳng khác nào Cóc đi guốc, khỉ đeo hoa; Chuột chù lại có xạ hương - không có tài đức, lại hợm hĩnh kiêu kỳ; bản chất xấu nhưng làm ra vẻ tốt đẹp; Chuột đội vỏ trứng - mượn hình thức của kẻ khác để che giấu bản chất của mình; chuột chù nếm giấm - chỉ thái độ nhăn nhó. Có một điều thật oan cho chuột, khi nói đến người lù đù, ngờ nghệch, người ta lại dùng thành ngữ: Lù đù như chuột chù phải khói. Lanh như chuột, vậy mà cũng có lúc phải chịu tiếng là lù đù! Trong các mối quan hệ của loài vật thì mối quan hệ giữa chuột và mèo được người đời nhắc đến khá nhiều. Mèo ra cửa, chuột xướng ca - câu thành ngữ đơn giản ấy chứa đựng nội dung rất phong phú: Không người cai quản sẽ dễ làm bậy, tha hồ tự do, thoải mái; không người cầm trịch, quản lý thì mọi việc sẽ lộn xộn, lung tung. Đối với loài chuột, mèo là kẻ quyền uy tối thượng. Giỡn với mèo, tất yếu chuột sẽ bị mất mạng. Chính vì vậy, đừng bao giờ làm những việc liều lĩnh, dại dột như: Chuột gặm chân mèo. Đọc câu thành ngữ: Chuột chù chê khỉ hôi - ám chỉ kẻ không thấy cái dở của chính mình lại đi chê bai người khác, ta lại liên tưởng đến câu ca dao có nội dung tương tự, nhưng thật ngộ nghĩnh: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm!

Thôi thì có hôi hay thơm, chuột vẫn là chuột. Và từ đời nọ đến đời kia, hễ nhắc đến 12 con giáp, chuột vẫn là kẻ đứng đầu tiên.

T.G