08:02, 10/02/2008

Chữ “Xuân” trong thơ chữ Hán của Bác Hồ

Một hữu đông hàn tiều tụy cảnh/Tương vô xuân noãn đích huy hoàng (Nếu không có cảnh đông tàn/thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân)...

“Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp). Thơ xưa, đặc biệt là trong thơ Đường - một đỉnh cao của thơ ca Trung Quốc, cũng là một trong những đỉnh cao của thơ ca nhân loại - rất quan tâm đến vẻ đẹp của thiên nhiên, qua đó gửi gắm tâm tình của con người. Chữ “Xuân” được nhắc đến trong thơ ca xưa thường không đơn thuần chỉ mùa xuân mà còn mang nhiều ý nghĩa tượng trưng khác nhau, rất đa dạng. Ta hãy tìm hiểu đôi điều về chữ “Xuân” được dùng trong thơ chữ Hán của Bác Hồ.

Điều đặc biệt là trong tập Nhật ký trong tù gồm 133 bài được viết trong 14 tháng lưu đày qua nhiều nhà tù khác nhau của Tưởng Giới Thạch, duy nhất có một chữ “Xuân” nhưng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng trong bài Tự miễn: Một hữu đông hàn tiều tụy cảnh/Tương vô xuân noãn đích huy hoàng (Nếu không có cảnh đông tàn/thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân). Riêng điều đó, đủ thấy chế độ trong nhà tù khắc nghiệt đến thế nào, khiến Tết đến, Xuân về, người tù cũng không hay biết, không mảy may cảm thụ được điều gì ở thế giới bên ngoài.

Những năm sau này, Bác ít làm thơ chữ Hán. Nhưng trong số 36 bài sưu tầm được giới thiệu trong cuốn Thơ Hồ Chí Minh toàn tập do Trung tâm Quốc học và Nhà Xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2000 thì có đến 9 bài có chữ “Xuân”. Đáng chú ý nhất là bài Nguyên tiêu Bác viết vào đầu năm 1948: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/Yên ba thâm xứ đàm quân sự/Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. Ở câu thứ 2, chỉ có 7 chữ mà có tới 3 chữ Xuân liên tiếp, trùng điệp, bổ sung, tôn nhau lên làm cảnh thiên nhiên mùa Xuân trong đêm trăng Nguyên tiêu thật đẹp và hùng vĩ: sông Xuân, nước Xuân nối tiếp với trời Xuân. Hai câu 3 và 4 nói lên cảnh con thuyền đi trong sâu thẳm của màn sương đêm mù mịt trên sông mà bàn việc quân sự. Chỉ có 4 câu, 28 chữ, bài thơ đã tạo dựng một sự kiện lịch sử, có thiên nhiên, sông nước mùa Xuân thật đẹp, thật nên thơ. Trong bài Tặng Bùi Công, cũng viết vào năm 1948, hình tượng hoa Xuân soi vào nghiên mực, trong lúc chim rừng vào cửa đậu và từ xa vọng lại dồn dập tiếng chân ngựa báo tin vui chiến thắng: Khán thư sơn điểu thê song hãn/Phê trát xuân hoa chiễu nghiễn trì/Tiệp báo tần lai lao dịch mã/Tư công tức cảnh tặng tân thi. Ở bài Tư chiến sĩ (Nhớ chiến sĩ), hình ảnh Xuân hiện lên thật trong sáng, tưng bừng, ấm áp tình người: Canh nhâm lộ cấp như thu vũ/Thần tảo sương nùng tự hải vân/Khoái tống hàn san cấp chiến sĩ/Xuân quang hào noãn báo tân xuân (Mưa đêm mau tựa mưa thu muộn/Sương sớm dày như mây biển khơi/Áo rét gửi ngay cho chiến sĩ/Ánh mặt trời xuân ấm nồng báo xuân mới đang về).

Xuân Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam giành nhiều thắng lợi, Bác cũng ghi lại những cảm xúc của mình. Bài Mậu Thân xuân tiết Bác viết ngày 14-4-1968: Tư nguyệt bách khoa khai mãi viên/Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên/Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ/Mang bả Nam phương tiệp báo truyền (Xuân muộn, đầy vườn hoa nở rộ/Tia hồng đồng loạt trổ màu tươi/Chim trắng bay đi chao vội cá/Oanh vàng tung cánh vút lên trời/Thong dong bao đám mây trời - Miền Nam tin thắng không ngơi gửi về).

Xúc động nhất là hình ảnh Xuân hiện lên trong 2 bài thơ chữ Hán cuối cùng của Bác: Bài Vô đề: Tam niên bất ngật tửu xuy yên/Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên/Hỷ kiên Nam phương liên đại thắng/Nhất niên tứ quý đô xuân thiên (Đã ba năm không uống rượu, không hút thuốc lá/Ở đời không ốm đau, đích thực là tiên/Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/Một năm là cả bốn mùa Xuân).

Bài Nhị vật: Vô yên, vô tửu quá tân xuân/Dị sử thi nhân hóa tục nhân/Mộng lý hấp yên, ngật mỹ tửu/Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần (Thuốc không, rượu chẳng có mừng Xuân/Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân - Trong mộng, thuốc thơm và rượu ngọt/Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần).

Đọc lại 2 bài thơ này, càng thấy cảm phục và thương Bác vô cùng. Chúng ta đều biết, trong cuộc đời mình, hút thuốc lá là một trong những thói quen gắn bó, là niềm vui riêng hiếm hoi của Bác để đầu óc thêm tỉnh táo khi suy nghĩ, làm việc. Có lần, khi gặp gỡ, nói chuyện với thanh niên, Bác đã nói vui, đại ý: Các cháu nói học tập Bác Hồ nhưng theo Bác có 2 điều các cháu không nên học: Đó là hút thuốc lá và không lấy vợ! Vậy mà suốt 3 năm cuối đời, để giữ gìn sức khỏe, Bác đã chấp hành ý kiến đề nghị của bác sĩ điều trị là không hút thuốc lá và không uống rượu, ngay cả trong những ngày Tết, đón xuân. Không chỉ nghiêm chỉnh chấp hành, Bác còn ghi lại bằng thơ “để làm chứng”. Đón xuân mà không có thuốc lá, không có rượu, dễ khiến thơ hóa thành kẻ tục. Ta bắt gặp vẫn bút pháp “humour” quen thuộc tự cười mình của tác giả Nhật ký trong tù mấy chục năm về trước (trong tù không rượu cũng không hoa mà nhà thơ và trăng vẫn đối thoại cùng nhau qua cửa sổ). “Nhất niên tứ quý đô xuân thiên” - tuy trong hoàn cảnh như vậy nhưng nhận tin chiến thắng dồn dập từ miền Nam đưa về, Người vẫn vui như thấy một năm có tới 4 mùa xuân.

Với Bác, dù mùa xuân của đất trời hay xuân trong lòng người đều luôn gắn bó làm một với nhân dân, với đất nước và luôn mang tinh thần lạc quan cách mạng cao cả. Chính vì vậy khi viết Di chúc, cụm từ ban đầu Bác viết: Khi người ta đã ngoài bảy mươi tuổi…, khi sửa lại Bác đã gạch chữ tuổi để thay bằng chữ Xuân: “Khi người ta đã ngoài bảy mươi xuân”.

Đọc thơ Bác ngày Xuân, chúng ta càng nhớ Bác biết bao nhiêu.

Hiến trọn cho đời bảy mươi chín tuổi xuân

Bác để lại cả vườn Xuân đất nước

Suốt một đời trồng cây, trồng người, gieo mầm hạnh phúc

Nên mãi mãi tên Người Hồ Chí Minh - đồng nghĩa với nguồn Xuân!

NGUYỄN GIA NÙNG