09:09, 20/09/2018

Nhà trường và gia đình: Nên có sự phối hợp

Chủ nhật vừa qua, nhiều trường ở TP. Nha Trang đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm để thông báo về chương trình học, chủ trương, kế hoạch mới, đồng thời nhắc nhở công tác phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội.

Chủ nhật vừa qua, nhiều trường ở TP. Nha Trang đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm để thông báo về chương trình học, chủ trương, kế hoạch mới, đồng thời nhắc nhở công tác phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội.


Tại một lớp 2 ở trường P., cô giáo chủ nhiệm thông tin, qua 2 tuần học đầu, các em đọc, viết chính tả sai nhiều, một phần do các em vừa trải qua kỳ nghỉ hè, phần khác do chưa quen cách học của lớp 2. Lên lớp 2, các em không còn nhìn đoạn văn mẫu tập chép mà nghe đọc rồi viết chính tả. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm động viên con em chú tâm học tập. Vài phụ huynh liền lý do: các cháu học 2 buổi/ngày, sách vở để trên trường, cha mẹ đâu biết con học gì! Nghe cô nói có thể cho mang sách vở về nhà vào cuối tuần nếu cha mẹ đảm bảo nhắc con mang đủ sách vở vào đầu tuần sau, phụ huynh lại đề nghị: hàng ngày, cô phải giao bài tập về nhà để cha mẹ bắt con làm! Họ không nghe cô giải thích làm vậy là vi phạm, tạo áp lực cho trẻ. Một phụ huynh nhấn mạnh: Con trẻ chỉ sợ cô giáo, cô giao bài chúng mới chịu làm. Lớp 2 rồi, cần tạo áp lực cho con!


Ở một lớp khác, mới học 1 tuần, có phụ huynh hớt hải gọi cô giáo chủ nhiệm vì tới đón mà không thấy con, rồi nói cô đi tìm, nếu bị lạc, cô chịu trách nhiệm! Không vội giải thích, cô trở lại trường, tìm ra học sinh nọ theo bạn thân ra sân sau chơi! Bàn giao xong, cô buồn rầu tâm sự, mới vào năm học, cô chưa kịp nhớ mặt, hiểu tính từng em. Hơn nữa, nhà trường đã quy định rõ giờ vào lớp, tan học. Sau tiếng trống tan học lúc 16 giờ 20, học sinh rời trường, cô giáo cũng không phải quản trò, chờ trả trẻ như ở bậc mầm non. Mong sao phụ huynh hiểu, đón con đúng giờ, đó cũng là phối hợp tốt!


Nhân chuyện phối hợp, lại nhớ năm học vừa qua,  trước giờ vào lớp, cả nhóm học sinh lớp 1 túm tụm xem một bà mẹ đánh con vì làm mất cây bút. Thấy con chần chừ không chịu mở cặp, bà mẹ giật phăng cặp sách, đổ tuốt tuột ra sàn, vừa bới tung tìm kiếm, vừa luôn miệng tra hỏi. Cô giáo can, nói cho mượn bút, về mua sau. Nhưng bà mẹ không chịu, gặng hỏi con: “Cho ai? Nói!”, rồi liên tục tát cậu bé. Cậu học trò che mặt thì bà đe: “Bỏ tay xuống! Còn che mặt sẽ đánh không thôi!”. Nhưng cậu bé vừa buông tay, bà mẹ lại tát bôm bốp vào mặt cậu! Can không được, cô giáo quyết liệt buộc phụ huynh ra khỏi lớp! Bà mẹ cố thanh minh: “Cô thông cảm để em dạy con em. Nó dại lắm, toàn cho bạn! Cây bút này bị mất chắc chắn cũng cho đứa nào rồi! Hôm nay em phải đánh cho nhớ!”. Cô giáo thở dài, nhà trường dạy trẻ phải yêu thương, san sẻ, cha mẹ lại dạy con vậy, biết phối hợp sao?


Nhớ có cậu học trò, cha mẹ chia tay, người cha giành quyền nuôi con. Vào năm học, hầu như ngày nào cháu cũng đi học muộn. Tới lớp thì gà gật, đôi khi đau bụng, tiêu chảy, không tập trung học. Hỏi mới biết, chiều tối, người cha thường xuyên đi nhậu và kéo luôn cậu con đi. Bữa tối của cậu bé là mồi nhậu của cha, cùng chai nước ngọt… và thường kết thúc khoảng 23 giờ! Cô giáo phải vận động liên tục, người cha mới đồng ý tạm giao con cho người mẹ chăm sóc. Từ đó, cậu bé đi học đúng giờ, phấn chấn, vui vẻ, tiếp thu bài tốt, cuối năm được cô khen. Cô tâm sự, vẫn biết vận động giao con thực ra không đúng nhiệm vụ của cô, nhưng vì việc học của trò quan trọng hơn nên đành chấp nhận!


Lâu nay, tuy câu nói “gia đình - nhà trường - xã hội cùng phối hợp” đã rất quen thuộc, nhưng dường như với một số phụ huynh, đó vẫn là vấn đề xa vời, của ai đó. Thực tế, ở cấp tiểu học, chỉ cần các bậc cha mẹ sâu sát, hàng ngày hỏi cô về tình hình tiếp thu bài trên lớp, tối về vừa chơi, vừa ôn cùng con; đồng thời, nắm bắt mọi nội quy, quy định của trường để giúp con thực hiện đúng, và dạy con tuân thủ các chuẩn mực đạo đức…, ấy chính là phối hợp tốt với nhà trường! 

 
TAM THUẬT