Ngày 1-12, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 11-1-2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 09 ngày 11-1-2021 về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ trì hội nghị có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Các vị lãnh đạo tỉnh chủ trì hội nghị. |
Đạt nhiều kết quả
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 08, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tính kế thừa thành quả của giai đoạn trước. Kết cấu hạ tầng KT-XH được tăng cường, quan tâm đầu tư, bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở hầu hết các vùng nông thôn được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Tính đến tháng 9-2023, toàn tỉnh có 63/92 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 85% so với mục tiêu tại Nghị quyết số 08; 10/92 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 27% kế hoạch; chưa có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân trên địa bàn toàn tỉnh là 14,3 tiêu chí/xã (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025). Đặc biệt, công tác hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn được chú trọng nhằm góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn nông thôn. Từ năm 2021 đến tháng 9-2023, tỉnh đã đầu tư 295,8 tỷ đồng để phát triển hạ tầng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, hỗ trợ thực hiện 93 công trình giao thông, 37 công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai, 5 công trình trường học, 13 công trình cơ sở vật chất văn hóa, 3 công trình cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 4 công trình kết nối xã, huyện…
Ông Nguyễn Khắc Toàn trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 08. |
Còn theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 09, thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt 22 triệu đồng/người/năm, tăng 1,57 lần so với năm 2020 (mục tiêu nghị quyết đề ra đến năm 2025 tăng hơn 2 lần so với năm 2020, đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm 6,2% năm (vượt so với mục tiêu nghị quyết đề ra là giảm 4 - 5%/năm). Các mục tiêu khác đạt được như: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% ĐBDTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được xem truyền hình và nghe đài phát thanh… Nhìn chung, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH phục vụ lao động sản xuất, sinh hoạt, học tập, khám, chữa bệnh cho nhân dân... đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện và động lực cho phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được cải thiện; phòng, chống dịch bệnh được tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện...
Ông Nguyễn Tấn Tuân tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 09. |
Ông Võ Nam Thắng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, để đạt được kết quả nêu trên, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. UBMTTQ và các đoàn thể luôn nêu cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình.
Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện 2 chương trình vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần được nhìn nhận thấu đáo để sớm có giải pháp khắc phục. Cụ thể là còn tình trạng cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc triển khai thực hiện các chương trình; công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình chưa sâu rộng; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, nhất là lực lượng làm công tác tuyên truyền chưa nắm chắc các chính sách, thiếu kỹ năng; việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp tham gia các chương trình chưa cao; còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM của tỉnh chỉ đạt 68,5%, thấp hơn bình quân chung cả nước là 73,65%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn khá cao; còn địa phương sợ sai trong thực hiện các chương trình.
Ông Nguyễn Hải Ninh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 09 nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, xác định công tác xây dựng NTM, dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong đó lưu ý, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, tránh tình trạng “nói không nghe”, “nghe không hiểu”. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát xây dựng và ban hành kịp thời, đầy đủ các chính sách, quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình để thu hút doanh nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu của các chương trình đề ra; kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế tiên tiến, thành công, hiệu quả; ưu tiên lựa chọn đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ đã được bồi dưỡng kiến thức dân tộc và biết sử dụng tiếng dân tộc làm việc ở vùng ĐBDTTS và miền núi. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, kiên quyết xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân, người đứng đầu chậm trễ, kéo dài trong tham mưu, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong công tác phối hợp.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 08; tặng bằng khen cho 6 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 09.
VĂN KỲ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin