10:01, 11/01/2021

Số ca mắc sốt rét giảm mạnh

Dự án "Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin, giai đoạn 2018 - 2020" vừa kết thúc. Dưới sự tác động, hỗ trợ của dự án, số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh qua 3 năm giảm mạnh.

Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin, giai đoạn 2018 - 2020” vừa kết thúc. Dưới sự tác động, hỗ trợ của dự án, số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh qua 3 năm giảm mạnh.


Số ca mắc giảm

 
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, số ca mắc sốt rét ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều giảm, không có ca tử vong do sốt rét. Nếu năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 125 ca mắc sốt rét; đến năm 2019 ghi nhận 95 ca; năm 2020 có 29 ca, giảm gần 31% so với năm 2019 và gần 77% so với năm 2018.

 

Huyện Khánh Vĩnh là điểm nóng về sốt rét ở tỉnh với số ca mắc hàng năm chiếm 2/3 tổng số ca mắc toàn tỉnh, kế đến là huyện Diên Khánh và Vạn Ninh. Hầu hết những người mắc sốt rét đều là người đi rừng, ngủ rẫy, nhân viên kiểm lâm, công nhân. Trong đó, nhóm đi rừng, ngủ rẫy chiếm tới 70% số ca mắc. Tại tỉnh ghi nhận sự hiện diện của cả 3 ký sinh trùng sốt rét là P.falciparum, P.vivax, P.malariae, trong đó ký sinh trùng P.falciparum, P.vivax là chủ yếu. Đây là 2 thể ký sinh trùng dễ gây biến chứng nặng cho người mắc và dễ kháng thuốc.


Ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Phó Giám đốc dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin, giai đoạn 2018 - 2020” cho biết: “Có được kết quả trên nhờ sự quan tâm của UBND các cấp, Sở Y tế, các ban, ngành, sự chủ động, tích cực trong phòng ngừa và điều trị của trung tâm y tế các tuyến từ xã đến tỉnh; trình độ, chuyên môn của cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét được nâng cao. Bên cạnh đó, người dân đã có ý thức phòng bệnh, ít ngủ lại nương rẫy, đa số đều có treo màn tẩm hóa chất khi ngủ. Đặc biệt là sự hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị phòng, chống sốt rét của dự án này, do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ”.

 

Cán bộ Y tế thôn bản xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh tuyên truyền về phòng, chống sốt rét cho người dân.

Cán bộ Y tế thôn bản xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh tuyên truyền về phòng, chống sốt rét cho người dân.

 

Nhiều hoạt động phòng, chống hiệu quả


Từ đầu năm 2018, khi dự án được triển khai có 44 xã, phường thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tham gia. Mục tiêu của dự án là giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sốt rét, đạt những tiến bộ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe tại Việt Nam.


Ngay khi tiếp nhận, Ban quản lý dự án cấp tỉnh đã triển khai đồng bộ hàng loạt hoạt động. Theo đó, trong 3 năm (2018 - 2020), dự án đã thành lập 10 điểm chống sốt rét, cấp 46.000 test chẩn đoán nhanh sốt rét cho đơn vị y tế các cấp; hơn 210 túi y tế cho y tế thôn bản; treo hàng chục tấm pano tuyên truyền về bệnh sốt rét và 24.200 poster cấp cho các hộ gia đình; tiến hành điều tra các ca bệnh, ổ bệnh và phun hóa chất chủ động để tránh lây lan. Đồng thời, tổ chức 45 lớp tập huấn về chẩn đoán, thông tin báo cáo, giám sát sốt rét, hướng dẫn thực hiện các nội dung dự án cho hàng trăm cán bộ y tế các cấp; cấp 52.550 màn tẩm hóa chất, 12.890 võng tẩm hóa chất diệt muỗi tồn lưu dài cho người dân ở những vùng có sốt rét lưu hành.


Là địa phương có số ca mắc sốt rét cao nhất tỉnh, toàn bộ 14 xã của huyện Khánh Vĩnh đều nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng. Đặc biệt, tại huyện có 3/5 loài ký sinh trùng sốt rét gây bệnh ở người, trong đó có ký sinh trùng nguy hiểm P.falciparum. Nhờ tác động của dự án, số ca mắc sốt rét ở huyện qua 3 năm giảm mạnh. Nếu năm 2018, toàn huyện ghi nhận 75 ca, năm 2019 giảm xuống còn 60 ca, năm 2020 còn 20 ca.


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng cho biết: “Với nhiều giải pháp đồng bộ, dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin, giai đoạn 2018 - 2020” đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống sốt rét ở tỉnh. Trong những năm tới, ngành Y tế tỉnh sẽ nỗ lực giữ vững những kết quả đạt được; đồng thời thực hiện lộ trình loại trừ sốt rét đối với ký sinh trùng P.falciparum vào năm 2025 và ký sinh trùng P.vivax vào năm 2030”.


C.Đan