Cùng với dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang có diễn biến phức tạp, liên tục tăng cao. Ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế số ca mắc bệnh.
Cùng với dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang có diễn biến phức tạp, liên tục tăng cao. Ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế số ca mắc bệnh.
Đầu tháng 10, Trường Mầm non Hoa Phượng - thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh liên tiếp ghi nhận các ổ dịch TCM với số ca bệnh liên tục tăng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngăn chặn sự lây lan của bệnh, nhà trường đã thực hiện đóng cửa các lớp có từ 2 học sinh mắc bệnh trở lên, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khử khuẩn môi trường tại khu vực xảy ra dịch bệnh. Bà Nguyễn Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng cho biết: “Sau khi ghi nhận liên tiếp 11 ca mắc trong 3 ngày, chúng tôi xin ý kiến và nhận được sự đồng ý từ lãnh đạo nên đã tiến hành đóng cửa nhóm lớp này trong 10 ngày. Đồng thời, cho giáo viên thực hiện vệ sinh phòng học, đồ chơi của các cháu. Các cháu mắc bệnh sau khi điều trị hết bệnh, khỏe thì mới cho đến lớp. Sau đợt đó đến nay, tại trường chưa ghi nhận ca bệnh nào”.
Huyện Diên Khánh là địa phương có số ca mắc TCM cao thứ 2 toàn tỉnh với 269 ca, 6 ổ dịch được phát hiện và xử lý. Bác sĩ Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho biết: “Số ca mắc ở huyện bắt đầu tăng cao từ tháng 9 và kéo dài đến nay. Nếu 8 tháng, toàn huyện ghi nhận 34 ca thì riêng tháng 9, số ca mắc tăng gần gấp đôi với 64 ca, tháng 10 tăng đột biến hơn 100 ca. Với diễn biến phức tạp của bệnh TCM, ngành Y tế huyện phối hợp với các trường học thực hiện phòng dịch, xử lý môi trường, lớp học; tiến hành kiểm tra, giám sát công tác phòng bệnh TCM ở các địa phương. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên công lập, tư thục cách nhận biết sớm ca bệnh, phối hợp với ngành Y tế để xử lý khi phát hiện ca bệnh và ổ dịch”.
Nếu như những tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận từ 20 đến 50 ca mắc mỗi tuần thì đến tháng 9, số ca mắc TCM trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng cao hơn 150 ca/tuần. Đỉnh điểm những tuần đầu của tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 ca mắc/tuần. Với hơn 1.600 ca mắc, hiện nay, bệnh TCM đã xuất hiện và lưu hành ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa có số ca mắc cao, với tổng số hơn 1.100 ca mắc ở 3 địa phương trên.
Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh cho biết: “Với diễn biến phức tạp của bệnh TCM, trung tâm đã yêu cầu đơn vị y tế các cấp tích cực điều tra, giám sát, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch và ca tản phát; phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn nâng cao ý thức cho người dân, đặc biệt ở các điểm trường mầm non và các nhóm trẻ gia đình. Trung tâm cũng chủ động cung cấp vật tư, hóa chất đầy đủ cho các địa phương để kịp thời xử lý môi trường, nơi có các ổ dịch. Đồng thời, lồng ghép tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên, các cơ quan, đơn vị có liên quan về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh TCM nói riêng”.
Với những giải pháp đã và đang triển khai, số ca mắc trong tuần đầu tháng 11 giảm còn 121 ca. Tuy nhiên, thông thường hàng năm, đỉnh dịch TCM thường rơi vào tháng 11 đến tháng 12. Bởi vậy, theo bác sĩ Dõng, dịch bệnh này có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Đáng lo ngại, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nếu để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch sẽ rất nguy hiểm. Điều này đòi hỏi người dân cần chủ động phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, nhất là ngành Y tế trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, ở môi trường mẫu giáo, nhà trẻ, nơi dễ lây lan dịch bệnh TCM, nhà trường cần tích cực hơn trong việc vệ sinh trường lớp, sàng lọc phát hiện bệnh, có cách xử lý ca bệnh nhanh chóng, kịp thời.
C.Đan