2 tháng gần đây, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhập điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Đáng báo động là số ca nặng và cảnh báo cũng tăng cao.
2 tháng gần đây, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhập điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Đáng báo động là số ca nặng và cảnh báo cũng tăng cao.
Từ đầu tuần đến nay, tại Khoa Nhiễm, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, số ca nhập viện và điều trị tại đây luôn dao động gần 130 ca/ngày, chiếm hơn 80% là mắc SXH. Đáng lưu ý, trong tuần có đến 6 ca nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Đều nhập viện vào ngày 2-10, hai anh em Trương Quốc H. và Trương Quỳnh H. (TP. Nha Trang) được chẩn đoán bị mắc SXH. Sau 2 ngày nằm điều trị tại Khoa Nhiễm, cả 2 đều trở nặng, phải chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để theo dõi và điều trị. Bà Huỳnh Hoa Lan Minh - mẹ của 2 em cho biết: “Khu nhà tôi ở gần hồ nước đọng. Mùa này khá nhiều muỗi. Đầu tháng, 2 cháu bị sốt, cứ nghĩ sốt thông thường nên tôi mua thuốc cho uống. Sau 2 ngày bệnh không đỡ nên tôi đưa đi BV khám mới biết bị mắc SXH. Bây giờ, cả 2 cháu đều bệnh nặng nên tôi rất lo lắng”.
Chăm con bị mắc SXH tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, bà Đặng Thị Ngọc Thảo (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết, con bà sốt 41 độ, do ngại dịch bệnh Covid-19 nên bà đưa con đến khám tại phòng khám tư nhân và lấy thuốc điều trị tại nhà; thấy con sốt liên tục không giảm nên mới đưa đến BV Bệnh nhiệt đới tỉnh để điều trị.
Theo số liệu thống kê từ BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, từ tháng 8 đến nay, số ca SXH nhập BV Bệnh nhiệt đới tỉnh điều trị nội trú liên tục gia tăng. Những tháng trước, chỉ dao động từ 50 đến 70 ca/tháng, nhưng đến tháng 8 tăng lên 180 ca (trong đó có 15 ca nặng phải điều trị tích cực, 13 ca cảnh báo), đến tháng 9 tăng lên 500 ca (32 ca nặng, 37 ca cảnh báo, 1 ca tử vong do nhồi máu cơ tim trên bệnh nền SXH). Điều đáng báo động là người dân có tâm lý e ngại dịch Covid-19 nên không đến BV để khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Do đó, phần lớn những ca SXH nặng được ghi nhận tại BV nhập viện trễ, người dân đã tự ý sử dụng thuốc tại nhà, hoặc truyền nước ở các cơ sở y tế tư nhân, khiến tình trạng bệnh ngày càng diễn tiến xấu hơn. Việc nhập viện trễ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, dẫn đến xuất huyết nội tạng, suy hô hấp, suy đa tạng, nặng hơn có thể gây tử vong.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.110 ca mắc SXH, có 1 ca tử vong. Số ca mắc SXH bắt đầu tăng cao từ tháng 8. Tổng số ca mắc trong tháng 8 và 9 hơn 2.380 ca, chiếm gần 50% tổng số ca mắc SXH toàn tỉnh. |
Bác sĩ Trần Nam Quân - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong, BV đã tăng cường nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng theo dõi những ca SXH nặng; đồng thời, thường xuyên cập nhật và tập huấn những phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế cho đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế của BV. Cùng với đó, BV kết nối với BV Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để hội chẩn trực tiếp, trao đổi chuyên môn, xử lý, điều trị các ca khó, nặng. Song song đó, BV còn tuyên truyền cho người nhà và bệnh nhân hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh SXH”. BV Bệnh nhiệt đới tỉnh là đơn vị tuyến đầu, đang điều trị cùng lúc nhiều bệnh dịch. Do đó, để tránh tình trạng lây nhiễm chéo giữa các bệnh, BV đã thực hiện phân chia phòng để điều trị các bệnh truyền nhiễm riêng biệt; đồng thời phân luồng khám bệnh, yêu cầu 1 bệnh nhân 1 người nuôi bệnh…
Hiện nay, thời tiết nắng nóng xen kẽ với những cơn mưa tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi phát triển, nếu không có biện pháp phòng ngừa, bệnh SXH có khả năng tăng cao trong thời gian tới. Ngành Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch bệnh, chủ động và thường xuyên diệt lăng quăng, muỗi, vệ sinh nhà cửa, ngủ mùng; tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để điều trị SXH hay truyền dịch tại nhà, khi có dấu hiệu sốt nên đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
C.Đan