09:06, 25/06/2020

Tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, tại Việt Nam, trung bình 10 ca tử vong thì có đến 8 ca liên quan đến các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Các căn bệnh này ngày càng trở thành gánh nặng y tế của toàn xã hội.

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, tại Việt Nam, trung bình 10 ca tử vong thì có đến 8 ca liên quan đến các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Các căn bệnh này ngày càng trở thành gánh nặng y tế của toàn xã hội. Do đó, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh luôn chú trọng công tác phòng, chống, chủ động tầm soát, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở cộng đồng.


Hiệu quả   


Bị mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường (ĐTĐ) nhiều năm, trước đây, ông Nguyễn Đức Việt (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) phải lên bệnh viện tuyến huyện để khám và lấy thuốc. Sau khi chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng được triển khai, ông Việt được điều trị ngay tại Trạm Y tế thị trấn. Nhờ được thăm khám thường xuyên, uống thuốc đều đặn, sức khỏe của ông Việt được kiểm soát tốt hơn. Tương tự, ông Trần Văn Lê (72 tuổi, tổ dân phố Phú Lộc Tây 2, thị trấn Diên Khánh) mắc bệnh tăng huyết áp hơn 20 năm. Sau khi được chuyển về cho Trạm Y tế thị trấn quản lý, 5 năm qua, hàng tuần ông Lê đều đến trạm để thăm khám và lấy thuốc; đợt nào quên, ông được cán bộ trạm y tế gọi điện nhắc nhở.

 

Khám bệnh cho người dân tại trạm y tế ở huyện Cam Lâm.

Khám bệnh cho người dân tại trạm y tế ở huyện Cam Lâm.


Y sĩ Lý Ngọc Thoa - Trưởng Trạm Y tế thị trấn Diên Khánh cho biết, bên cạnh các phần mềm quản lý các bệnh không lây nhiễm trước đó, năm 2019, trạm còn được WHO hỗ trợ thêm chương trình sử dụng sổ theo dõi điện tử, nhờ đó giúp trạm thuận lợi hơn trong việc quản lý, theo dõi sát sức khỏe bệnh nhân (BN). Từ đầu năm đến nay, trạm đã thực hiện đo huyết áp cho hơn 1.320 BN, qua đó phát hiện 118 người có nguy cơ; quản lý, điều trị 547 BN mắc ĐTĐ. Riêng trong tháng 5, tỷ lệ BN đến khám và cấp thuốc đạt mục tiêu điều trị chiếm hơn 80%.


Chương trình phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm 2010. Theo đó, những người cao tuổi, người có nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm được khám sàng lọc, lập hồ sơ theo dõi bệnh ngay tại các trạm y tế. Nhờ mô hình này, các BN được thăm khám định kỳ, quản lý, theo dõi sức khỏe trên phần mềm máy tính. Đặc biệt, với những BN sức khỏe không tốt, đi lại khó khăn được các nhân viên y tế hỗ trợ thăm khám ngay tại nhà. Đến nay, toàn tỉnh có 67/137 trạm y tế xã, phường triển khai công tác khám sàng lọc, quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, ĐTĐ; tỷ lệ BN được quản lý và điều trị tại trạm đạt hơn 75%. Qua đó, góp phần giảm tải cho tuyến trên; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến xã, phường.


Còn khó khăn

 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có hơn 28.000 người được khám sàng lọc ĐTĐ, qua đó phát hiện hơn 4.000 người mắc ĐTĐ và gần 9.000 người mắc tiền ĐTĐ; hơn 183.000  người được khám sàng lọc tăng huyết áp, qua đó phát hiện hơn 35.000 mắc.

Mới đây, Cục Y tế dự phòng có đợt kiểm tra thực tế chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại tỉnh. Qua đợt kiểm tra cho thấy, mặc dù chương trình đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, chế độ phụ cấp cho y tế thôn bản còn thấp, đối với phường và thị trấn, cộng tác viên y tế không có chế độ hỗ trợ nên chưa tạo được động lực cho đội ngũ này trong việc vận động người dân tham gia khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh; một số ít người dân còn chưa ý thức về tầm quan trọng của việc phòng, chống bệnh, tái khám chưa đúng lịch hẹn, thiếu sự hợp tác trong việc khám xác định bệnh; nhân lực ở trạm y tế ít nhưng phải “gánh” quá nhiều chương trình, mục tiêu y tế dẫn tới quá tải…


Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho biết: “Theo quy định, việc chỉ định kiểm tra đường huyết cho BN mắc ĐTĐ tại trạm y tế cần phải có chỉ định của bác sĩ. Điều này gây khó cho các trạm y tế không có bác sĩ, dẫn tới các trạm không thể theo dõi hiệu quả điều trị cho BN. Hiện nay, tại các trạm có quá nhiều phần mềm quản lý; các phần mềm lại chưa thống nhất, gây khó khăn cho các trạm y tế trong việc nhập, theo dõi, xử lý số liệu”.


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh kiến nghị: “Theo mục tiêu của Bộ Y tế, đến năm 2025, sẽ có 95% trạm y tế thực hiện công tác quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Tại tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều trị các bệnh này cho tất cả các trạm y tế. Tuy nhiên, do khó khăn về nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ nên hiện nay chỉ có khoảng 1/2 trạm y tế ở tỉnh đã thực hiện được chương trình. Để công tác này được triển khai thuận lợi, đạt mục tiêu đặt ra, Bộ Y tế nên sớm sửa đổi những bất cập trên”.


C.Đan